Cấm kỵ
Hai ngày trở lại đây, một nhóm du khách người nước ngoài ở Mũi Né đăng lên mạng xã hội hình ảnh về chủ một resort ở P.Hàm Tiến vung dao chặt lưới mà du khách giăng trên bãi biển chung để chơi bóng chuyền. Những hình ảnh này được người dùng mạng xã hội chia sẻ rất nhiều.
Trưa 2.1, một phụ nữ gọi điện trao đổi với PV Thanh Niên và nhận mình là người cầm dao chặt lưới bóng chuyền của du khách Tây ở bãi biển Mũi Né. Người này cho biết mình tên Vũ Thị Hương, chủ resort Muine Unique Resort & Spa.
tin liên quan
'Nóng' khai khoáng và đường xuống biểnTheo bà Hương, do quá nóng nảy với sự ồn ào của một nhóm khách đánh bóng chuyền nên bà đã hành xử sai.
Bà Hương thừa nhận hình ảnh chặt, chém vào lưới bóng và to tiếng với khách quốc tế trên bãi biển là không phù hợp với phong cách của người làm du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến chính cá nhân và khu nghỉ dưỡng của bà.
Chia sẻ quan điểm về vụ việc trên, ông Trần Anh Thi, Giám đốc điều hành Seahore Resort (P.Hàm Tiến), cho rằng bãi biển là của người dân, mọi người đều có quyền sử dụng. Nếu như có xung đột vì một nguyên nhân nào đó thì đều có giải pháp ôn hòa theo phong cách của người làm du lịch để tháo gỡ, còn nếu không thể tự giải quyết được đã có chính quyền địa phương. “Không cho phép người làm du lịch xử lý tình huống gây phản cảm trên bãi biển, cái đó là cấm kỵ”, ông Thi nói.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Nguyễn Văn Luân cho rằng việc xung đột trên bãi biển, vốn là của chung, cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, Hiệp hội và chính quyền chung tay giải quyết. Lợi ích của doanh nghiệp đã rõ nhưng phải làm sao đảm bảo lợi ích của người dân địa phương hay những du khách vãng lai cùng được hưởng thụ bãi biển đó.
|
|
"Cuộc chiến trên bãi biển"
Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Trần Văn Bình thì cho rằng bãi biển là của chung nhưng phải có sự quản lý thống nhất. “Vẫn biết là bãi biển chung nhưng anh đem vài gánh ốc tôm sò nướng, hay làm che cái "phòng massage dạo" ngay bãi biển mà khách đang tắm thì anh chịu nổi không ?”, ông Bình đặt vấn đề.
Theo ông Bình, phải có quy hoạch chỗ nào cho người dân buôn bán, chỗ nào cho du khách tắm biển, chứ không thể lộn xộn, bát nháo. Có hiện tượng nhiều du khách chỉ thuê phòng nghỉ phía trước các resort, sau đó hằng ngày đi vào resort để xuống biển và “tắm ké” nước ngọt của resort, gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của khách nghỉ dưỡng ở resort. “Họ ở có khi tới hai, ba tháng, sử dụng luôn cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp đầu tư. Cái này cũng không thể chấp nhận”, ông Bình nói.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa thì cho rằng: “Doanh nghiệp được hưởng nhiều thì phải có trách nhiệm gìn giữ sạch sẽ bãi biển để du khách của mình hưởng thụ, nhưng cũng phải có sự chia sẻ với người dân và những cơ sở du lịch không có bãi biển. Hình ảnh một người làm du lịch vung dao chém lưới của khách trên mạng xã hội là một hình ảnh tiêu cực tác động xấu đến ngành du lịch Mũi Né, không phù hợp tí nào”.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận Ngô Minh Chính khẳng định “phải có quy chế” sử dụng chung bãi biển. Theo ông Chính, Sở sẽ phối hợp với UBND TP.Phan Thiết, Hiệp hội du lịch Bình Thuận tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế chung. “Làm sao để giữ được sự hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Tránh các xung đột tạo nên hình ảnh xấu cho thương hiệu du lịch như vừa xảy ra”, ông Chính nói.
Theo giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận Ngô Minh Chính, chiều 2.1, Sở VHTTDL Bình Thuận đã thành lập hai tổ thanh tra, một tổ do Phó giám đốc Nguyễn Lan Ngọc trực tiếp phụ trách làm việc với bà Vũ Thị Hương, chủ đầu tư Muine Unique Resort & Spa, “trên tinh thần là yêu cầu bà này phải xin lỗi du khách vì không có lý do gì biện minh cho hành động phản cảm như bà ấy làm”.
Một tổ thanh tra thứ hai do Chánh Thanh tra Sở phụ trách kiểm tra việc có hay không một nhóm người nước ngoài “núp bóng” kinh doanh trái phép một cơ sở dạy lướt ván diều. Chính nhóm người được cho là có xung đột trên bãi biển với bà Hương.
|
Bình luận (0)