Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore: 'Để phát triển, các trường đừng cố trở nên giống nhau'

Ngọc Long
Ngọc Long
25/04/2024 19:35 GMT+7

Theo giáo sư Lily Kong, Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore (SMU), phụ nữ Singapore đầu tiên giữ chức chủ tịch một trường ĐH, nhà khoa học top 1% thế giới, nếu muốn phát triển giáo dục ĐH, đừng đặt nặng so sánh mà hãy tạo điều kiện để các trường ĐH phát triển theo định hướng riêng.

Giáo sư Lily Kong, Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore, trong buổi gặp gỡ với báo giới sáng 25.4

Giáo sư Lily Kong, Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore, trong buổi gặp gỡ với báo giới sáng 25.4

NGỌC LONG

Là phụ nữ Singapore đầu tiên giữ chức chủ tịch một trường ĐH tại quốc đảo này, giáo sư Lily Kong nổi tiếng với những nghiên cứu về biến đổi đô thị, thay đổi trong văn hóa và xã hội ở châu Á. Trước khi gia nhập SMU, bà từng giữ nhiều chức vụ quản lý cao cấp ở ĐH Quốc gia Singapore như Phó chủ tịch, Phó hiệu trưởng của trường, hay Trưởng khoa nghệ thuật và khoa học xã hội, Giám đốc viện nghiên cứu châu Á...

Nhân dịp SMU chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam vào tối nay (25.4) và là trường ĐH đầu tiên tại Singapore thực hiện điều này, giáo sư Kong đã chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên về cách phát triển các trường ĐH theo hướng bền vững, tầm quan trọng của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo giáo dục cũng như những cơ hội mà SMU và Singapore mang đến cho người học Việt Nam.

Đừng đặt "táo" và "cam" lên bàn cân

PV: Giáo dục ĐH ở châu Á được cho là đang trỗi dậy khi nhiều trường liên tiếp thăng hạng ở các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu. Quan điểm của bà về điều này?

Giáo sư Lily Kong: Chúng ta phải rất cẩn trọng với các bảng xếp hạng ĐH. Nhiều bảng xếp hạng sử dụng các tiêu chí không phản ánh được chất lượng thật sự của trường. Ví dụ, các yếu tố như trải nghiệm giáo dục thực tế hay mức độ quan tâm trường dành cho việc đào tạo sinh viên đều không được các bảng xếp hạng đề cập. Do đó, bảng xếp hạng ĐH chỉ có thể cho bạn biết rằng đây là một trường "tốt" theo ấn tượng của một số người.

Theo tôi, quan trọng là phải xem xét các bảng xếp hạng ĐH khác nhau cho những mục đích khác nhau. Chẳng hạn, nếu quan tâm đến việc hợp tác nghiên cứu, hãy tìm những bảng xếp hạng thiên về nghiên cứu. Mặt khác, khi nói đến vấn đề hợp tác, trường cũng nên tự tìm kiếm những đơn vị có triết lý đào tạo, mục tiêu tương đồng, thay vì chỉ dựa vào bảng xếp hạng. Một con số chắc chắn không thể nói hết về cả trường ĐH.

Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore: 'Để phát triển, các trường đừng cố trở nên giống nhau'- Ảnh 2.

Sinh viên quốc tế tại ĐH Quản lý Singapore

SMU

Ngoài khía cạnh hợp tác, bà còn lời khuyên nào khác dành cho các trường ĐH tại Việt Nam để thực sự phát triển bền vững?

Theo tôi, điều quan trọng là các trường ĐH đừng cố trở nên giống nhau. Việt Nam là một quốc gia đông dân và có nhiều người trẻ nuôi hoài bão học ĐH. Vì vậy, cần có nhiều loại trường khác nhau nhằm đáp ứng các nguyện vọng khác nhau.

Đầu tiên, một số trường phải là ĐH chuyên ngành, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như kinh tế, khoa học, công nghệ. Thứ hai, hãy để trường ĐH được chọn định hướng. Có những trường ĐH có thế mạnh là thực hiện các nghiên cứu đóng góp vào việc đổi mới công nghệ, khởi nghiệp, chính sách công... Song, nhiều trường ĐH khác lại có thể mang đến những trải nghiệm giáo dục tuyệt vời để đào tạo, phát triển người trẻ.

Thế nên, điều cần làm là hỗ trợ định hướng của trường chứ đừng đặt "táo" và "cam" lên bàn cân. Đừng so sánh trường ĐH chuyên về nghiên cứu với trường ĐH chuyên về giảng dạy và nói rằng trường chuyên giảng dạy không tốt vì khả năng nghiên cứu không bằng trường chuyên nghiên cứu. Chúng ta cần nhận ra rằng các trường ĐH đóng những vai trò khác nhau, và đối với cả quốc gia, sự khác biệt này là cần thiết.

Vai trò lãnh đạo giáo dục của phụ nữ

Việc bản thân trở thành người phụ nữ Singapore đầu tiên lãnh đạo một trường ĐH, theo bà, có tác động quan trọng ra sao đến nền giáo dục ĐH?

Nhiều trường ĐH trên thế giới đang vận hành với cấu trúc kim tự tháp. Ở các chức danh thấp, như giáo sư phụ tá, số lượng nam, nữ gần như tương đương. Khi lên cấp cao hơn, như phó giáo sư hay giáo sư, số lượng nam nhiều hơn nữ. Và có rất ít phụ nữ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo. Thậm chí, nhiều trường ĐH còn nói rằng, "Chúng ta có ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) và để phát triển, lãnh đạo phải là nam giới".

Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore: 'Để phát triển, các trường đừng cố trở nên giống nhau'- Ảnh 3.

Giáo sư Lily Kong chia sẻ về "Hành trình xây dựng Singapore thành đô thị bền vững" tại Trường ĐH VinUni hôm 23.4

THANH LÂM

Đây là suy nghĩ sai lầm. Nó đồng nghĩa rằng với phụ nữ, nhất là các học giả, cơ hội trở thành chủ tịch một trường ĐH sẽ hoàn toàn biến mất nếu không chọn theo đuổi chuyên ngành STEM vào năm 13 tuổi (bắt đầu THCS tại Singapore). Điều này không thể chấp nhận được, bởi khi tìm kiếm lãnh đạo của trường ĐH, chúng ta không chỉ đánh giá nền tảng học thuật mà còn là kỹ năng quản lý, lãnh đạo, tư duy tích hợp, độ rộng hiểu biết...

Thế nên, việc tôi đứng ở đây có thể nói là nguồn khích lệ cho các chị em, là minh chứng rằng các bạn nữ có thể phát triển và dẫn đầu trong các ngành do nam giới chiếm ưu thế như lĩnh vực giáo dục ĐH. Vị trí chủ tịch đặt trên vai tôi trách nhiệm nặng nề, song tôi hy vọng việc được bổ nhiệm là phụ nữ Singapore đầu tiên đứng đầu một trường ĐH sẽ động viên những phụ nữ khác tự tin bước lên phía trước.

Bà có thể chia sẻ thêm về những hỗ trợ tài chính mà SMU và chính phủ Singapore đang có dành cho sinh viên Việt Nam để họ theo đuổi bằng cấp tại quốc đảo này?

SMU có nhiều suất hỗ trợ tài chính dành cho người học Việt Nam, chia làm 2 loại là học bổng xét theo thành tích học thuật (merit-based, tức ứng viên phải là một người học xuất sắc) hoặc hỗ trợ tài chính dựa trên hoàn cảnh gia đình (need-based, tức ứng viên không cần phải là giỏi nhất, nhưng phải có điểm gì đó khiến trường quyết định hỗ trợ) với giá trị lên đến toàn phần.

Bên cạnh đó, chính phủ Singapore cũng đang vận hành chính sách trợ cấp học phí cho sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam, đến học ở SMU hay các trường ĐH khác. Mức trợ cấp phụ thuộc vào việc bạn có thẻ thường trú (PR) của Singapore hay không, với yêu cầu làm việc 3 năm cho bất cứ công ty, tổ chức nào đăng ký thành lập tại Singapore (áp dụng với cả chi nhánh của công ty, tổ chức này ở nước ngoài).

Nhà khoa học top 1%

Trong quá trình công tác ở các đơn vị, giáo sư Lily Kong từng nhận nhiều huân chương, giải thưởng nội địa và quốc tế uy tín. Bà từng được vinh danh là Nữ doanh nhân quyền lực năm 2020 và lọt vào top 50 phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có tầm ảnh hưởng năm 2022 của Forbes. Trong cùng năm, bà cũng được ghi tên vào đại lộ danh vọng dành cho phụ nữ có sức ảnh hưởng tại Singapore.

Giáo sư Lily Kong có mặt trong ban biên tập của nhiều tạp chí quốc tế và thường xuyên được mời làm diễn giả chính tại nhiều hội nghị chuyên ngành. Bà là đồng tác giả 11 tựa sách, đồng biên tập 12 tựa sách, xuất bản gần 120 bài báo khoa học và đóng góp hơn 70 chương sách. Trong một nghiên cứu toàn cầu thực hiện vào năm 2020 bởi ĐH Stanford, bà nằm trong top 1% các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực địa lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.