(TNO) Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi vừa bị tấn công ngay giữa buổi họp báo tại thành phố Frankfurt (Đức).
Người phụ nữ nhảy bổ vào Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi (ngồi giữa) ngay tại buổi họp báo - Ảnh: AFP
|
CNN và Bloomberg ngày 15.4 đưa tin chỉ sau vài phút mở đầu bài phát biểu của mình, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi bị một phụ nữ nhảy bổ vào bàn và hét lớn “chấm dứt chế độ độc tài của ECB”.
Người phụ nữ này được các nhân viên an ninh đưa ra khỏi phòng sau khi khiến ông Draghi, dù không bị thương, nhưng giật mình vì một đống hoa giấy.
Theo Bloomberg, ông Draghi chỉ mới bắt đầu nói về chính sách tiền tệ do ECB đưa ra ngay trước khi bị tấn công. “Rõ ràng các biện pháp chính sách tiền tệ mà chúng ta đưa ra là hiệu quả. Chúng ta mong đợi nền kinh tế phục hồi, mở rộng và phát triển mạnh dần”, ông Draghi nói.
Buổi họp báo diễn ra sau khi ông cùng Hội đồng quản trị thống nhất không thay đổi lãi suất.
Chủ tịch Mario Draghi từng thừa nhận rằng ECB có thể trở thành nơi trút giận
của những người đang thất vọng với hiện trạng của eurozone - Ảnh: AFP |
Theo CNN, đây là vụ tấn công công khai lần thứ hai nhắm vào ECB chỉ trong vòng một tháng. Hồi tháng 3, hàng ngàn người biểu tình tụ tập và giận dữ trước trụ sở trị giá 1,3 tỉ USD của ECB - cơ quan mà họ cho là đang phá hủy cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Cũng theo CNN, ông Draghi được ghi nhận là người có những bước đi táo bạo để cứu châu Âu ra khỏi khủng hoảng tài chính.
Trước hết là vào năm 2012, ông hứa “sẽ làm bất cứ thứ gì” để khu vực dùng đồng euro không tan rã. Lần kế tiếp là vào đầu năm nay, ông thuyết phục các ngân hàng khởi động chương trình kích thích kinh tế 1,3 nghìn tỉ USD để thúc đẩy tăng trưởng trở lại.
Song cũng chính ECB là biểu tượng cao nhất cho chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã gây khó khăn cho hàng triệu người ở khu vực eurozone.
Cùng với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC), ECB giám sát các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Các khoản vay cứu trợ trên đều được cung cấp sau khi chính phủ các nước trên cam kết thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" - cắt giảm chi tiêu và tăng thuế - cùng ''đại tu" nền kinh tế của họ để tăng sức cạnh tranh.
Gần 7 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, khó khăn kinh tế vẫn còn hiện hữu với người dân châu Âu. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực này hiện đã giảm, nhưng vẫn ở quanh mốc 11%. Tăng trưởng đã phục hồi, nhưng với xuất phát điểm rất thấp.
Trước đó, Chủ tịch Mario Draghi đã từng thừa nhận rằng ECB có thể trở thành “đích ngắm cho những người đang thất vọng với hiện trạng này”.
Bình luận (0)