Tại buổi làm việc, thượng tá Vũ Thị Thúy Hà, Phó phòng An ninh chính trị nội bộ (PA 03), Công an TP.HCM, cho biết chủ đầu tư Trường quốc tế AISVN hiện không còn khả năng tài chính. Cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hoạt động của bà Út Em. Mọi cuộc đàm phán giữa chủ trường với các nhà đầu tư đều chưa có kết quả. Nhà đầu tư do phụ huynh giới thiệu cũng dừng ở mức tìm hiểu, nghe những lùm xùm đều rút lui. Còn đội ngũ giáo viên nước ngoài rất căng thẳng, hiệu trưởng khẳng định nếu không đảm bảo tài chính sẽ nghỉ việc.
Theo đại diện Công an TP.HCM, khi trường làm việc với một số đối tác, các bên cho rằng trường lỗ một phần do học phí đang thấp so với các trường cùng chất lượng. Do đó, bà Út Em đề nghị xin hỗ trợ từ phụ huynh, là khoản chênh lệch để bù giá học phí mà thời gian qua bà không bù nổi. Đây là phương án ngắn hạn đến tháng 6.
Chủ Trường Quốc tế Mỹ AISVN kêu gọi phụ huynh đóng 125 tỉ để con được học thêm 3 tháng
Còn về dài hạn, bà Út Em đưa ra phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Phụ huynh đóng tiền, thực tế sẽ là hợp đồng góp vốn, dân sự, phù hợp với pháp luật. Khi cổ phần hóa thì phụ huynh được hưởng giá trị cổ phần tương đương. Với các khoản vay từ đợt 1 cho đến nay, ai có nhu cầu thì sẽ chuyển tiền thành cổ phần. Nếu không thì khi nhà trường có phương án, như bán cổ phần, sẽ trả lại.
Cơ quan chức năng đánh giá phương án cổ phần hóa là khả thi, song sẽ phải xây dựng chi tiết, tính toán phần góp của phụ huynh và chủ đầu tư cũng như phương án kêu gọi đầu tư.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Út Em đã xin lỗi phụ huynh học sinh và trình bày phương án kêu gọi phụ huynh đóng góp hỗ trợ kinh phí hoạt động từ nay đến hết năm học. Dự kiến, kinh phí để duy trì dạy học từ ngày 1.4 đến hết tháng 6 là 125 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, Sở đã đề nghị nhà trường tính toán số nợ của giáo viên và số tiền cần chi trả cho giáo viên từ nay đến hết năm học. Theo tính toán của trường, hiện trường còn nợ một phần lương tháng 1, lương tháng 2 và tháng 3. Số lượng này là khoảng 47 tỉ đồng. Tính toán thêm phần lương tháng 5 và 6, tức đến lúc kết thúc năm học khoảng 77 tỉ đồng. Tổng cộng đến hết tháng 6 hoàn thành chương trình là 125 tỉ đồng. Vì vậy, số tiền đóng góp tùy thuộc vào độ tuổi, chương trình học, mức đóng góp theo tính toán của nhà trường, mỗi phụ huynh sẽ đóng khoảng từ 9 đến hơn 20 triệu đồng/tháng.
Ông Hiếu cũng nói thêm, khi phụ huynh đóng góp, mỗi một lớp sẽ cử 1 đại diện để tham gia vào tổ tài chính, điều hành từ nay đến hết năm học. Trong đó, rà soát lại các khoản chi có phù hợp không. Phía sở ngành yêu cầu nhà trường chi tiền một cách tinh gọn nhất, những nội dung thiết thực nhất để vận hành nhà trường. Các khoản chi tập trung vào những nội dung thiết yếu nhất như lương cho giáo viên, xe đưa đón…
Ông Hiếu cũng mong đại diện phụ huynh học sinh Trường quốc tế AISVN cử đại diện lập ra tài khoản mới để nhận đóng góp. Với định mức này, tất cả phụ huynh chung tay thì sẽ nhẹ hơn. Nếu thống nhất được, Sở GD-ĐT tổ chức thành các tổ, trong đó tổ tài chính có trách nhiệm thu, chi trả cho giáo viên. Tổ chuyên môn sẽ làm việc với hiệu trưởng nhà trường để sắp xếp các lớp, bố trí lớp để chất lượng dạy học đảm bảo…
Một phụ huynh học sinh Trường quốc tế AISVN chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, đa số phụ huynh đồng tình bởi có sự giám sát của các cơ quan chức năng để đảm bảo khoản tiền đóng góp được sử dụng đúng mục đích và đảm bảo việc học của học sinh.
Bình luận (0)