Ngày 31.8, ông Lê Văn Sáu, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bến Tre, cho biết ông vừa ký, ban hành công văn thông báo kết quả xử lý vi phạm trong quản lý, khai thác đất, cát tại Nông trại C2 (xã Thạnh Phong, H.Thạnh Phú), do Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) H.Thạnh Phú quản lý.
tin liên quan
Bến Tre đề nghị phê bình chính trị viên, tập thể ban chỉ huy quân sự huyệnTheo đó, UBND tỉnh cho rằng việc Ban CHQS H.Thạnh Phú có chủ trương cho các hộ dân sên vuông để nuôi tôm đạt hiệu quả hơn là phù hợp với thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện mà không làm thủ tục xin ý kiến của UBND tỉnh là không đúng với quy định pháp luật. Khi phát hiện sự việc, UBND H.Thạnh Phú không chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh và báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh mà để kéo dài dẫn đến tố cáo nội bộ, tạo dư luận không tốt...
Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh phê bình ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND H.Thạnh Phú, do thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý đất tại Nông trại C2; đồng thời giao Bộ CHQS tỉnh có văn bản phê bình đối với thượng tá Lê Hữu Chí (chính trị viên) và tập thể Ban CHQS H.Thạnh Phú do thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, để xảy ra sai phạm khai thác đất, cát tại khu đất đơn vị quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng giao Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, làm rõ số tiền thu được từ việc khai thác đất, cát ở Nông trại C2 của Ban CHQS H.Thạnh Phú; nếu phát hiện số tiền thu được sử dụng không đúng quy định, có dấu hiệu tư lợi thì xử lý nghiêm.
Trước đó, trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Hữu Chí cho biết trong hai năm 2015 và 2016, Ban CHQS H.Thạnh Phú có chủ trương bơm hơn 41.000 m3 cát từ các vuông tôm của một số hộ dân trong khu C2 bán giá 15.000 đồng/m3 làm cát lấp cho dự án đê biển tại xã Thạnh Phong; đồng thời thừa nhận có bơm cát cho 2 hộ dân khác có nhu cầu san lấp bên ngoài với khối lượng trên 1.400 m3.
Khu Nông trại C2 có diện tích hơn 300 ha do UBND tỉnh Bến Tre giao Ban CHQS H.Thạnh Phú quản lý vào năm 1986. Hơn 15 năm trước, Ban CHQS H.Thạnh Phú có chủ trương giao khoán hơn 150 ha diện tích đất ngư trường lại cho dân canh tác, từng giai đoạn hợp đồng khoán là 5 năm đáo hạn để nuôi trồng thủy sản. Giá khoán của giai đoạn hiện hành là 1,5 triệu đồng/ha/năm.
Bình luận (0)