Chủ tịch nước: Cần có chế tài ngăn chặn vi phạm chủ quyền nước khác

26/11/2015 21:30 GMT+7

Sáng nay 26.11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng tại Viện Koerber (Đức) về an ninh châu Á - Thái Bình Dương và trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế.

Sáng nay 26.11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng tại Viện Koerber (Đức) về an ninh châu Á - Thái Bình Dương và trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế.

chu-tich-nuocChủ tịch nước phát biểu tại Viện Koerber (CHLB Đức) - Ảnh: Trường Sơn
Đến dự và tham gia đối thoại, phía Đức có Nghị sĩ Quốc hội thuộc Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Ngân sách, nhân quyền; chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Phủ Tổng thống, Chính phủ, Viện Koerber, một số tập đoàn kinh tế lớn của Đức…
“Dù là người châu Âu hay châu Á, chúng ta đều có nhận thức chung là châu Á - Thái Bình Dương luôn có tầm quan trọng địa chiến lược trên bản đồ chính trị thế giới”, Chủ tịch nước bắt đầu bài phát biểu.
Theo Chủ tịch nước, tiềm năng và trí sáng tạo đang mở ra những vận hội mới cho các nước châu Á tiếp tục phát triển thịnh vượng trong thế kỷ 21, mà nhiều ý kiến cho rằng đó là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý trong bài phát biểu của mình: “Tiềm năng to lớn, vận hội rộng mở nhưng để chuyển hoá những của cải vật chất ở dạng tiềm năng đó trở thành hiện thực, cần có môi trường và những điều kiện hết sức quan trọng - đó là hoà bình, ổn định, luật pháp và chuẩn mực quốc tế, quy tắc ứng xử, các cơ chế hợp tác, các cơ chế giải quyết tranh chấp, bất đồng…”.
Mặc dù nhấn mạnh hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song theo Chủ tịch nước, châu Á - Thái Bình Dương cũng đang có một xu hướng đáng lo ngại làm gia tăng căng thẳng, nguy cơ xung đột và chiến tranh do các hành động thiếu trách nhiệm, không tôn trọng luật pháp quốc tế, không tuân thủ các quy tắc ứng xử và luật chơi chung của khu vực, vi phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các nước khác.
“Những hành động đó cần phải có những biện pháp chế tài để ngăn chặn”, Chủ tịch nước bày tỏ.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam tích cực hợp tác và hoan nghênh mọi chính sách của các nước đối với châu Á - Thái Bình Dương nếu chính sách đó cùng có lợi và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Việt Nam nhất quán không liên minh với nước này để chống phá nước khác đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Chủ tịch nước khẳng định, nước Đức có vai trò quan trọng đối với an ninh và phát triển toàn cầu, đánh giá cao những đóng góp của Viện Koerber cho hòa bình, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau trên thế giới trong suốt 56 năm hình thành và phát triển của viện. Chủ tịch nước đề nghị các Nghị sĩ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tiếp tục đồng hành, ủng hộ và vun đắp cho quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức, quan hệ ASEAN - EU, cùng đóng góp những sáng kiến, ý tưởng, công trình nghiên cứu, bài viết, tiếng nói cho lợi ích chung của nhân loại, trong đó có hòa bình, ổn định và hợp tác ở cả châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.
Đưa quan hệ Việt - Đức đi vào chiều sâu 
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đến CHLB Đức, chiều cùng ngày, tại Frankfurt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đức.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam và Đức đã trở thành đối tác chiến lược của nhau, trong đó hợp tác kinh tế là một trụ cột quan trọng. Đức từ nhiều năm nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Các doanh nghiệp Đức đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký khoảng 1,4 tỉ USD, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam mong muốn đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức tiếp tục đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế. 
Chủ tịch nước khẳng định Chính phủ Việt Nam nhất quán đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh lâu dài ở Việt Nam. Ngoài ra, việc hoàn tất đàm phán nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không chỉ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc thị trường và chuẩn mực quốc tế.
Chủ tịch nước mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Đức tranh thủ tốt cơ hội này, đi tiên phong thúc đẩy hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu, góp phần tích cực vào phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.