Chủ tịch nước lấy Hội An để nói về quan hệ giao thương 400 năm Việt - Nhật

Lê Hiệp
Lê Hiệp
31/05/2018 14:35 GMT+7

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam được tổ chức chiều 31.5 tại Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã sôi động từ hơn 400 năm trước.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Hội nghị xúc tiến đầu tư là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp 2 nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đầu tư đã đạt được, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới.
Chủ tịch nước khẳng định, từ hơn 400 năm trước, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có giai đoạn phát triển sôi động, khi hàng nghìn thương nhân Nhật Bản theo những Châu ấn thuyền, hình thành khu phố thương mại sầm uất mang đậm nét văn hóa Nhật Bản tại Hội An, mà ngày nay đã trở thành di sản văn hóa thế giới và cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn.
“Ngày nay, nhiều thế hệ Việt Nam học tập làm việc tại Nhật Bản cũng đang có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây cũng là cầu nối liên kết hợp tác đầu tư, giao lưu kinh tế giữa 2 nước”, Chủ tịch nước nói.
Ông cũng cho hay, sau 45 năm thiết hệ quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa 2 nước ngày càng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên các lĩnh vực. Cho tới nay, Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển chính thứ lớn nhất của Việt Nam với 30 tỉ USD cam kết, đã góp phần quan trọng phá triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xóa đói giảm nghèo... của Việt Nam.
Nhật Bản cũng luôn là đối tác hàng đầu tại Việt Nam với hơn 3.700 dự án với tổng vốn đăng ký 50 tỉ USD Mỹ. Quan hệ thương mại song phương luôn tăng trưởng ổn định, lành mạnh, cân bằng với quy mô thương mại hai chiều năm 2017 đạt trên 33 tỉ USD.
Cánh cửa Việt Nam luôn mở rộng với doanh nghiệp Nhật Bản
Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam hiện đã trở thành nền kinh tế năng động, với GDP đạt khoảng 230 tỉ đô la, quy mô thương mại đạt trên 420 tỉ. Đến nay, Việt Nam đã thu hút 322 tỉ USD từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như công nghiệp chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng, bất động sản, năng lượng, du lịch, phân phối.
“Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 6,5-7% năm; đến 2020, quy mô GDP đạt 320-350 tỉ, GDP đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD, quy mô thương mại 600 tỉ đô la Mỹ”, Chủ tịch nước cho hay và nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam đang triển khai đồng bộ chính sách phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và đổi mới sáng tạo.
Với mục tiêu xây dựng quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ; hệ thống giáo dục tiên tiến... Đây là lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh, là thời cơ quý báu để doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản mở rộng đầu tư, nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiện đại, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo cũng tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ qucố tế trong giai đoạn phát triển mới.
“Cánh cửa luôn mở rộng chào đón doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng các bạn luôn đồng hành cùng chúng tôi viết tiếp những câu chuyện thành công trong tương lai”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.
Doanh nghiệp Nhật ngày càng quan tâm tới Việt Nam
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hiroyuki Ishige, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, một năm trước, năm 2017, hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam đã được JETRO phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức, với sự tham gia của 36 doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, trao giấy phép đầu tư cho Tập đoàn NIDEC của Nhật Bản Ảnh Lê Hiệp
Theo ông Hiroyuki Ishige, các dự án được ký kết tại hội nghị năm ngoái được triển khai trong thực tế đã giúp số dự án cũng như kim ngạch đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cao nhất từ trước tới nay, đưa Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, ông Hiroyuki Ishige cũng cho rằng, những gì đạt được mới chỉ là khúc dạo đầu, và với sự hiện diện và phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm nay, sẽ mở ra tương lai quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước, giúp hội nghị xúc tiến đầu tư sẽ mở rộng tới nhiều lĩnh vực mới trong quan hệ giữa 2 bên.
Ông Yoji Muto, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản (METI), cho biết sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật tới Việt Nam ngày càng lớn hơn. Hiện, Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã có tới 1.700 thành viên, vượt qua con số doanh nghiệp Nhật Bản tại Thái Lan.
Cũng tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đại diện Chính phủ hai nước, các cơ quan, doanh nghiệp hai bên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cũng như các biên bản ghi nhớ (MOU). Trong đó, đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản trao giấy phép vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Vietjet Air. Hãng hàng không này sẽ chính thức khai thác đường bay từ Hà Nội tới Thành phố Osaka (Nhật Bản) từ ngày 8.11 tới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hai bên cũng ký kết 11 biên bản ghi nhớ giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực khác nhau
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.