Chia sẻ tại cuộc gặp, đại diện các tập đoàn, công ty hàng đầu của Chile đều đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam; mong muốn doanh nghiệp hai nước tận dụng một cách tốt nhất các hiệp định thương mại mà hai nước là thành viên.
Đại diện các doanh nghiệp Chile hy vọng sẽ tìm kiếm được thêm nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác mới để tiến vào thị trường Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao Bộ KH-ĐT đã chủ động phối hợp với SOFOFA và Đại sứ quán Việt Nam tại Chile để tổ chức một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước tới Chile và hướng tới kỷ niệm 10 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Chile (2014 - 2024).
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Chính phủ Chile qua các thời kỳ luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương; trong khi Việt Nam xác định Chile là đối tác có tầm quan trọng chiến lược và mong muốn làm sâu sắc quan hệ trên nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch nước cho biết, trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại luôn chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ hai nước và đã có nhiều bước tiến đáng kể.
Kim ngạch thương mại song phương tính đến tháng 9.2024 đạt 1,57 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Chile đạt 1,2 tỉ USD; qua đó củng cố vị thế của Chile là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN. Về đầu tư, Chile có bốn dự án với tổng vốn đăng ký đạt 0,3 triệu USD tại TP.HCM và Hà Nội.
Đánh giá dù đã đạt được những thành tựu, nhưng tiềm năng hợp tác của hai nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, Chủ tịch nước gợi mở một số hướng cho sự hợp tác của các doanh nghiệp hai bên, theo đó hai bên cùng thực thi hiệu quả và tận dụng tối đa các ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA), không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của cả hai quốc gia mà còn củng cố quan hệ ngoại giao, văn hóa và xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác trong tương lai.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các nhà đầu tư Chile nghiên cứu, mở rộng hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, khai khoáng và chế biến sâu khoáng sản; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, công nghệ cao.
Cùng với đó, theo Chủ tịch nước, các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là SOFOFA, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH-ĐT và Đại sứ quán Việt Nam tại Chile, kết nối cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan của hai bên, phát huy vai trò là cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp và đối tác quốc tế, giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, cũng như bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; cam kết tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Chile nói riêng.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Chile; quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển ngày càng tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Bình luận (0)