Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ hội viên của Hội Luật gia Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tập hợp rộng rãi giới luật gia, luật sư trong việc xây dựng và phát triển hội viên, tổ chức hội... Hội đã khẳng định được vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật và đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Hội đã được Quốc hội, Chính phủ giao chủ trì và tham gia soạn thảo nhiều dự án luật, pháp lệnh; góp ý, phản biện đối với các dự thảo văn bản pháp luật, góp phần dân chủ hóa quá trình làm luật, tăng cường chất lượng các văn bản pháp luật.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: Để phát huy hơn nữa năng lực và trí tuệ của giới luật gia Việt Nam, Hội cần làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Một là, các cấp hội cần khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực tư pháp và bổ trợ tư pháp, tạo điều kiện để Hội chủ động nghiên cứu những vấn đề pháp lý mới trong nước và quốc tế; tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội ban hành các chủ trương, chính sách pháp luật để quản lý và điều hành đất nước.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ thị 56 CT/TƯ ngày 18.8.2000 của Bộ Chính trị "về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam" và chỉ thị 06 CT/TTg ngày 9.4.2001 của Thủ tướng Chính phủ "về việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam".
Hai là, mỗi hội viên phải tích cực, chủ động phát huy vai trò và nhiệm vụ của mình trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các hội viên cần chủ động tham gia tích cực vào công tác tư vấn, phản biện xã hội, phát huy hơn nữa vai trò giám sát việc thi hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh đối với những hành vi quan liêu, sách nhiễu, lợi dụng chức vụ, quyền hành vi phạm pháp luật, góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Ba là, cần tiếp tục đổi mới phương thức và nội dung trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống xã hội, tích cực hỗ trợ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bốn là, mỗi hội viên phải chủ động nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ để giải quyết tốt nhất các vấn đề pháp lý nảy sinh, tránh sự thiệt hại không đáng có đối với các tổ chức và cá nhân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng đa dạng. Năm là, cần chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp và các đoàn luật sư địa phương trong việc chăm lo xây dựng đội ngũ luật sư cả về vấn đề tổ chức và năng lực nghề nghiệp.
Mở rộng hợp tác với các tổ chức luật gia, luật sư các nước trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế khác. Đồng thời, tăng cường liên hệ với các luật gia, luật sư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thu hút và tạo điều kiện cho họ được cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc. Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, trao đổi học tập kinh nghiệm thực tiễn để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt cho hội viên trong điều kiện mới.
Trong ngày làm việc hôm nay, các đại biểu cũng đã được nghe các báo cáo chuyên đề về "Cải cách tư pháp và yêu cầu đặt ra đối với giới luật gia Việt Nam" và "Hoàn thiện hệ thống pháp luật, vai trò và nhiệm vụ của giới luật gia Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế". Hội nghị đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam sẽ kết thúc ngày 6.3.
Theo TTXVN
Bình luận (0)