Ngày 9.10, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức buổi tiếp xúc cử tri ngành y tế nhằm lắng nghe những khó khăn, bất cập trong công tác cứu chữa bệnh nhân và những kiến nghị để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội.
Lãnh đạo nhiều bệnh viện từ công lập đến tư nhân, từ tuyến cơ sở đến tuyến thành phố, Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong các chính sách đầu tư, phát triển y tế và chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế.
Nhân viên y tế tham gia nhiều công việc trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua |
ngọc dương |
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết y tế cơ sở, mạng lưới bác sĩ gia đình có vai trò quan trọng phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe ban đầu nhưng hiện nay mạng lưới này chưa mạnh và chưa đồng bộ, chưa dựa vào quy mô dân mà theo phân cấp hành chính.
Cụ thể, một phường ít dân ở Q.4 cũng có biên chế giống P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) với cả trăm ngàn dân là điều bất cập. Do đó, BS Khanh kiến nghị đối với phường có dân số ít thì làm trạm y tế liên phường để tập trung nguồn lực chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn.
Bản tin Covid-19 ngày 9.10: TP.HCM đã qua đỉnh dịch | Chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em |
Bệnh viện quá tải
Đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện hiện phần lớn có cơ sở vật chất chưa đảm bảo tiêu chí 40 - 60 m2/giường bệnh. Cùng chung cảnh ngộ, một số bệnh viện chuyên sâu tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn, không chỉ lo cho TP.HCM mà còn các tỉnh phía nam cũng không đảm bảo diện tích giường bệnh, các bệnh viện chuyên khoa quá tải nên rất cần đầu tư nguồn lực từ Trung ương. Cũng theo BS Khanh, TP.HCM tập trung đông dân, nhiều người lớn tuổi nhưng cũng chưa có khu an dưỡng, nghĩ dưỡng, trên bình diện cả nước vẫn còn thiếu chính sách cho bệnh viện dưỡng lão.
Dẫn chứng câu chuyện thời sự về thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 trong thời gian qua, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay có 2 văn bản "đá nhau" của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khiến các bệnh viện đứng ở thế khó. Cụ thể, Bộ Y tế quy định chi phí điều trị Covid-19 do ngân sách trả, còn lại là bảo hiểm trả; trong khi đó BHXH Việt Nam lại chỉ thanh toán chi phí điều trị bệnh nền mà trên thực tế điều trị cho bệnh nhân là tổng thể, không thể tách ra từng loại chi phí.
Điều này dẫn đến bất cập là một số khoản nằm ở giữa, bệnh viện phải “gánh”. Do đó, BS Việt đề nghị quy về một mối, toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 đều do ngân sách chi trả hết.
Về vấn đề cấp cứu, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 nêu thực tế TP.HCM có quy mô dân số khoảng 10 triệu dân nhưng hệ thống cấp cứu chưa hoàn thiện. BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 đề xuất cần quan tâm xây dựng chính sách đặc thù, thống nhất cho lĩnh vực cấp cứu cho cả nước; có cơ chế tuyển dụng, thu phí dịch vụ cấp cứu hài hòa, tính đúng tính đủ.
Về cơ sở hạ tầng, ông Long kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở 2 của Trung tâm Cấp cứu 115 ở xã Tân Kiên (H.Bình Chánh); đồng thời cho sử dụng mặt bằng hiện hữu tại các quận, huyện mà các trạm cấp cứu vệ tinh 115 đang sử dụng.
Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri ngành y tế cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần có các chính sách đãi ngộ tương xứng để thu hút nhân lực cho ngành y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế chuyên sâu để phục vụ sứ mệnh chăm sóc sức khỏe người dân.
Ngày 9.10: Cả nước 4.513 ca Covid-19, 1.319 ca khỏi | TP.HCM 1.662 ca |
Kiến nghị thí điểm một số chính sách thu hút nguồn lực
Tiếp thu các ý kiến của cử tri, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết sẽ tổng hợp các kiến nghị và chuyển đến Quốc hội, đề nghị các cơ quan Trung ương tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Đối với TP.HCM, chính quyền thành phố sẽ tổ chức sơ kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với dịch bệnh cũng như các tình huống an ninh phi truyền thống; trong đó xây dựng phương án tổng thể để ứng phó với dịch Covid-19 cũng như các tình huống khác có thể xảy ra đối với một đô thị lớn như TP.HCM. Ông Mãi cho biết TP.HCM đang hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 gắn với phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới. “TP.HCM không lơ là, chủ quan trước những kết quả ban đầu mà tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát cảnh báo dịch bệnh”, ông Mãi nói.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua chưa quan tâm, đầu tư đúng mức trong công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ chế chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế cộng đồng. Do vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát thì những bất cập càng bộc lộ rõ hơn.
Trong kế hoạch phòng chống dịch, phục hồi kinh tế sắp tới, TP.HCM xác định củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, phát huy mô hình điều trị 3 tầng. Trong thời gian chờ các chính sách thống nhất từ Trung ương, ông Mãi kiến nghị cho phép TP.HCM được thí điểm một số cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội để phát triển cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học.
Kiểm soát rủi ro khi mở cửa kinh tế
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết nước ta đã thay đổi chiến lược từ theo đuổi mục tiêu Zero Covid-19 (không có Covid-19) sang thích ứng an toàn với Covid-19, vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Điều này đặt ra yêu cầu phải kiểm soát dịch tốt hơn để thích ứng an toàn với Covid-19, luôn cảnh giác để không xảy ra khủng hoảng y tế.
Đối với TP.HCM, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục nâng độ bao phủ vắc xin, nâng cao năng lực điều trị cho người dân. Đồng thời, phải tiếp tục kiểm soát rủi ro ở một quy mô rộng hơn trong bối cảnh mở cửa trở lại; trong đó củng cố y tế dự phòng, y tế cơ sở, hướng dẫn người dân bình tĩnh thích ứng, sống an toàn với Covid-19.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với cử tri ngành y tế theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội |
Sỹ đông |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian qua, có khoảng 30.000 nhân viên y tế từ các tỉnh tăng cường cho TP.HCM nên khi lực lượng này rút dần thì trách nhiệm của TP.HCM sẽ rất lớn, bao gồm cả việc "chia lửa" với các tỉnh miền Tây. TP.HCM là trung tâm của cả vùng nên cần lường hết các tình huống, chuẩn bị kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với dịch bệnh.
Người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh cần có cơ chế huy động nguồn lực xã hội, y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức lại hệ thống y tế đối với một siêu đô thị. TP.HCM cần sớm tổng kết, đánh giá các mô hình về y tế chuyên sâu, bác sĩ gia đình, trạm y tế lưu động, các hình thức huy động nguồn lực y tế…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự trân quý trước những cống hiến, đóng góp to lớn của ngành y tế cả nước nói chung và ngành y tế TP.HCM nói riêng trong việc chăm sóc khỏe nhân dân, đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19. Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chế độ đãi ngộ đặc thù để phát huy được trí tuệ, tâm huyết đội ngũ y tế, nhất là điều kiện sinh sống và làm việc; quan tâm khen thưởng, biểu dương, tôn vinh những cán bộ y tế xả thân trong phòng, chống dịch.
Bình luận (0)