Bản tin Covid-19 ngày 9.10: Cả nước chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em

09/10/2021 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 9.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 9.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước thêm hàng ngàn ca bệnh mới

Bản tin Bộ Y tế tối 9.10 cho biết tính từ 17h ngày 8.10 đến 17h ngày 9.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.513 ca nhiễm mới, 1.319 ca khỏi bệnh.

Trong ngày, cả nước ghi nhận 105 ca tử vong tại 7 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca tử vong lên 20.442 ca.

Ngày 9.10: Cả nước 4.513 ca Covid-19, 1.319 ca khỏi | TP.HCM 1.662 ca

Thông tin về 4.513 ca nhiễm mới được công bố vào tối 9.10 như sau:

  • 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 4.512 ca ghi nhận trong nước (giảm 261 ca so với ngày trước đó) tại 40 tỉnh, thành phố (có 2.173 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.662), Bình Dương (820), Đồng Nai (575), An Giang (308), Sóc Trăng (192), Bình Thuận (122), Kiên Giang (113), Đắk Lắk (85), Đồng Tháp (81), Gia Lai (65), Long An (61), Tây Ninh (57), Cà Mau (54), Tiền Giang (44), Khánh Hòa (41), Hậu Giang (27), Hà Nam (24), Quảng Trị (18), Cần Thơ (18), Quảng Ngãi (15), Bà Rịa - Vũng Tàu (14), Bạc Liêu (14), Thừa Thiên Huế (13), Ninh Thuận (12), Vĩnh Long (11), Bình Phước (9), Trà Vinh (8 ), Bến Tre (7), Thanh Hóa (7), Hà Tĩnh (6), Lâm Đồng (5), Bình Định (5), Quảng Bình (5), Đắk Nông (4), Kon Tum (3), Lào Cai (2), Phú Thọ (2), Nam Định (1), Vĩnh Phúc (1), Hà Nội (1).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-553), Đồng Nai (-37), Tây Ninh (-35).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (+192), An Giang (+126), Đắk Lắk (+85).

- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.700 ca/ngày.

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 836.134 ca nhiễm, đứng thứ 42/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.493 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 831.523 ca, trong đó có 755.622 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình.
  • Có 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (409.061), Bình Dương (221.300), Đồng Nai (54.327), Long An (33.226), Tiền Giang (14.477).
Ngày 9.10: Thông báo 105 ca Covid-19 tử vong tại 7 tỉnh thành

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.319
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 760.801Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca, trong đó:
  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.391
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 788
  • Thở máy không xâm lấn: 145
  • Thở máy xâm lấn: 668
  • ECMO: 22

Trong ngày, cả nước ghi nhận 105 ca tử vong tại 7 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (74), Bình Dương (18), An Giang (5), Đồng Nai (3), Tiền Giang (2), Tây Ninh (2), Hà Nội (1).

  • Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 119 ca.
  • Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.442 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
  • So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 93.022 xét nghiệm cho 200.798 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 19.899.799 mẫu cho 55.617.772 lượt người.

- Trong ngày 8.10 có 1.055.502 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 51.968.108 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 37.725.480 liều, tiêm mũi 2 là 14.242.628 liều.

Dự kiến tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trong tháng 10.2021

Sáng 9.10, lãnh đạo một số bệnh viện sản, nhi tại TP.HCM đã kiến nghị sớm tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em, nhất là trong bối cảnh TP.HCM chuẩn bị cho học sinh đến trường vào tháng 1.2022.

Một bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu trẻ em, riêng TP.HCM có khoảng 1,8 triệu người trong độ tuổi 5 - 18 tuổi. Việt Nam đã đặt mua hàng chục triệu liều vắc xin Pfizer của Mỹ và Abdala của Cuba. Đây là 2 loại vắc xin đã được nhiều nước tiêm chủng cho trẻ em. TP.HCM dự kiến cho trẻ em đến trường từ tháng 1.2022 nên thành phố còn 3 tháng để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em bởi đây là đối tượng nhạy cảm, nhất là những em có bệnh lý nền và béo phì.

Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em.

Lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương dẫn chứng nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm cho trẻ em 12-18 tuổi, có nước còn kiến nghị tiêm cho trẻ 5-12 tuổi, thậm chí trên 2 tuổi; việc tiêm chủng cho trẻ em cũng được minh chứng là an toàn, hiệu quả.

Dự kiến tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trong tháng 10.2021

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM đề nghị kéo giảm tỷ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi từ 80% xuống còn 70% và dành tỷ lệ này để tiêm cho trẻ em.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em, dự kiến tháng 10.2021 sẽ tiêm cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi, sau đó mở rộng xuống các độ tuổi thấp hơn. Vắc xin dự kiến tiêm là Pfizer của Mỹ và Abdala của Cuba.

Hơn 70% người từ 18 tuổi tại TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong ngày 8.10.2021, toàn TP.HCM đã tiêm được 72.375 liều vắc xin Covid-19. Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định.

Theo HCDC, từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 đến hết ngày 8.10 đã tiêm được hơn 12,1 triệu liều cho người từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, người tiêm mũi 1 là 97,8%; người tiêm đủ 2 mũi là 70,3%; người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 74,89%; người trên 50 tuổi được tiêm 2 mũi là 66,04%.

Theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, hiện đã có 18 quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiêm đạt 100% mũi 1; quận 5 và quận 11 tiêm đủ 2 mũi đạt 100%. Đến sáng 9.10, cả nước đã tiêm 52,5 triệu liều vắc xin Covid-19.

Theo HCDC, trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19, các quận, huyện tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1 và tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian. Những người chưa tiêm mũi 1 có thể đăng ký tiêm qua tổng đài 8066.

70,3% người từ 18 tuổi tại TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19

Bên cạnh đó, sau khi đáp ứng 3 điều kiện gồm: TP.HCM đã cơ bản tiêm mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi; số ca bệnh được kiểm soát tốt; kiểm soát được dịch Covid-19 theo tiêu chí của ngành y tế thì toàn bộ các hoạt động kinh tế sẽ cơ bản trở lại ở mức bình thường mới. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người lao động được phép tham gia các hoạt động tuân thủ quy định an toàn phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Quân đội sẽ cho xe chở người từ TP.HCM về quê trong tuần tới

Trước làn sóng người dân rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai..., về quê, Thủ tướng vừa có công điện hỏa tốc gửi các tỉnh, thành chỉ đạo khẩn trương phối hợp lập danh sách đưa đón người dân có nhu cầu về quê an toàn, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Tuần sau có xe chở người từ TP.HCM về các tỉnh: Bộ Tư lệnh TP.HCM thông tin tính đến ngày 7.10, đã có hơn 200 người dân đăng ký về các tỉnh, thành qua đường dây nóng 069.652.401 và 02866.822.000. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng đăng ký với khu phố, phường hoặc cơ quan quân sự địa phương. Dự kiến trong tuần sau, Bộ Tư lệnh TP.HCM sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức chuyến xe đầu tiên đưa người dân đang cư trú tại TP.HCM có nguyện vọng về các tỉnh, thành.

Hiện người dân muốn về các tỉnh có thể đăng ký qua đường dây nóng của Bộ Tư lệnh TP.HCM hoặc làm hồ sơ theo hướng dẫn của Sở GTVT. Riêng Bộ Tư lệnh TP.HCM sẽ ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người có vấn đề sức khỏe. Sau khi lập danh sách, các cơ quan chức năng tại TP.HCM sẽ thông báo với địa phương nơi tiếp nhận để phối hợp đón tiếp. Trước khi lên xe, nhân viên y tế sẽ test nhanh Covid-19, nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì người dân mới có thể rời TP.HCM.

Quân đội sẽ cho xe chở người từ TP.HCM về quê trong tuần tới

Các tỉnh, thành phối hợp đưa người về quê: Để đưa đón người dân về quê an toàn, chu đáo, nhiều tỉnh thành thời gian qua đã phối hợp trong công tác đưa đón công dân trở lại quê nhà.

Ngày 8.10, đại diện Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cho biết hiện Sở tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương có văn bản hướng dẫn chung về việc đưa rước công nhân về quê. Hầu hết những người đã tự phát ra về là lao động tự do, một số là công nhân chưa có giao kết hợp đồng lao động hoặc công nhân mới đến Bình Dương làm việc. Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, đến ngày 8.10 địa phương đã phối hợp với 19 tỉnh, thành tổ chức 30 đợt đưa 8.750 công nhân về quê. Bình Dương sẽ tiếp tục ghi nhận, cập nhật danh sách những công nhân có nhu cầu về quê để liên hệ với các tỉnh, thành lên kế hoạch đón về.

Theo kế hoạch, ngày 9.10, Đồng Nai sẽ tổ chức đón hơn 2.300 công dân đang ở TP.HCM và Bình Dương về Đồng Nai. Hiện tỉnh đang tiếp tục thống kê số lượng người dân có nhu cầu về quê để kịp thời hỗ trợ, xử lý.

Tính đến nay, hai tỉnh An Giang và Sóc Trăng tiếp nhận số lượng người về quê nhiều nhất ở miền Tây. Từ ngày 1.10 đến 6 giờ sáng 8.10, tỉnh An Giang đã đón 43.711 người từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ về địa phương. UBND tỉnh An Giang cho biết dự kiến ngày 13.10, tỉnh sẽ phối hợp với Công ty Phương Trang tổ chức đoàn xe rước khoảng 500 công dân ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ về địa phương.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cũng cho hay tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị lên phương án, kế hoạch cụ thể để đón công dân ở các tỉnh, thành về quê trong thời gian sớm nhất.

Thuê máy bay, tàu lửa đưa người về: Bên cạnh các chuyến xe miễn phí, nhiều địa phương còn tổ chức các chuyến bay, chuyến tàu đón công dân là các đối tượng được ưu tiên như: người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai… về quê trước.

Ngày 8.10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết ngày 12.10, Đà Nẵng sẽ tổ chức chuyến bay để đưa đón các phụ nữ có thai, người già yếu… ở địa phương phía nam về lại TP. Đây là chuyến bay dành cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên, gồm: phụ nữ mang thai và chồng, con đi cùng; người thân của những người đã mất vì Covid-19 về để lo tổ chức tang lễ; người đi trị bệnh tại TP.HCM có giấy xuất viện trong khoảng thời gian 6 tháng trở lại đây; người từ 70 tuổi trở lên cùng người nhà.

Đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho hay ngày 4.10, tỉnh Quảng Nam đã đón gần 200 người dân có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi không ai chăm sóc, thai phụ sắp sinh… ở TP.HCM về bằng chuyến bay miễn phí theo hình thức xã hội hóa, do UBND tỉnh phối hợp hội đồng hương và các địa phương liên quan tổ chức. Hiện Sở đã hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh ký để đến ngày 10 và 11.10 sẽ đón thêm 4 chuyến bay (mỗi chuyến khoảng 200 người).

Tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 5.10 đã đón 231 thai phụ cùng với người thân trở về bằng máy bay, ngày 8.10 có thêm chuyến bay thứ 2 đưa 192 thai phụ, người già, người bệnh về quê. Trong tuần tới, tỉnh có kế hoạch tiếp tục tổ chức 1 chuyến tàu lửa và 1 chuyến máy bay đưa học sinh, người già, phụ nữ có con nhỏ (dưới 2 tuổi) về quê.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng có phương án đón người dân trở về quê đợt 3. Trước đó, tỉnh đã tổ chức 2 đợt đón khoảng 900 công dân về quê an toàn bằng tàu hỏa.

Trong sáng 8.10, chuyến tàu đầu tiên trong số 4 chuyến tàu đưa người dân Quảng Bình về quê đã xuất phát tại ga Sài Gòn. Trong hai ngày 9 và 10.10, Quảng Bình sẽ đón khoảng 2.800 công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về quê trên 4 chuyến tàu (mỗi ngày 2 chuyến).

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến bay và 1 chuyến tàu đón hơn 2.200 công dân ở TP.HCM và các tỉnh phía nam về quê. Tỉnh tiếp tục đón phụ nữ đang mang thai tại các tỉnh phía nam về quê đợt 2 trong khoảng thời gian từ 7 - 10.10.

UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở chủ trì, phối hợp các đơn vị tổ chức cho các gia đình, người thân có nhu cầu về quê tránh dịch bằng tàu hỏa. Dự kiến sẽ đón công dân vào trung tuần tháng 10. Trước đó, ngày 5.10, Ninh Bình đã đón 603 công dân về quê bằng tàu hỏa.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao các đơn vị chức năng liên hệ với TP.HCM và các tỉnh phía nam lập danh sách người dân có nhu cầu, sau đó tùy thuộc vào số lượng người đăng ký để xây dựng kế hoạch đưa người dân về quê.

Bộ GTVT ‘chốt’ phương án bay lại từ 10.10

Tối 8.10.2021, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa ký hướng dẫn bay nội địa tạm thời trong giai đoạn thí điểm, từ ngày 10.10 - 20.10.

Cụ thể, sẽ có 19 chuyến khứ hồi (38 chuyến/ngày), trong đó từ TP.HCM đi 14 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hoà, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Phòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá. Các quy định cụ thể như sau:

Đối với hành khách: Các hãng hàng không chỉ tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên: hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.

Hành khách phải tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh).

Đồng thời, hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.

Không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… Trên máy bay, phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.

Trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú, hành khách luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-Covid, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Hành khách phải chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú. Tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 kể từ ngày về địa phương; thực hiện 5K.

Đối với tổ bay: Đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 7 ngày đối với tổ lái và 72 giờ đối với tiếp viên hàng không trước khi lên tàu bay.

Trên máy bay: tổ bay thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với tổ bay theo các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế.

Sau chuyến bay: Trường hợp tổ bay thực hiện chuyến bay khứ hồi trong ngày thì không cần xét nghiệm khi quay lại điểm đi, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến bay tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định. Trường hợp phải cư trú, lưu trú tại địa phương của cảng hàng không, sân bay đến.

Nếu cư trú tại địa phương, tổ bay được về nhà, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến bay tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định. Nếu lưu trú tạm thời thì hãng hàng không phải bố trí nơi lưu trú đảm bảo phòng, chống dịch.

Trường hợp chuyến bay có hành khách, thành viên tổ bay dương tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện theo quy định.

Bộ GTVT ‘chốt’ phương án bay lại từ 10.10: Hành khách tiêm đủ vắc xin, xét nghiệm âm tính

Đối với địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú: Quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định cụ thể của địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 2 kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế).

Giai đoạn áp dụng: Thí điểm từ ngày 10.10 đến hết ngày 20.10. Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ GTVT tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.

Hà Nội yêu cầu người bay từ TP.HCM về cách ly tập trung 7 ngày

UBND TP.Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ GTVT, đồng ý mở lại 2 đường bay TP.HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, hành khách bay về từ TP.HCM sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày.

Theo đó, Hà Nội đồng ý tổ chức khai thác 2 đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng từ 10 - 20.10 với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất.

Hà Nội cũng đề nghị tạm thời chưa khai thác các đường bay từ các địa phương khác đến thủ đô. Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội và các địa phương có liên quan, thành phố sẽ xem xét, tiếp tục báo cáo Chính phủ và Bộ GTVT để điều chỉnh cho phù hợp.

Đáng chú ý, với hành khách bay từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu phải có chứng nhận tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng, hoặc có giấy xác nhận khỏi Covid-19 không quá 6 tháng (trường hợp chưa đủ điều kiện tiêm chủng đi cùng người thân thì theo hướng dẫn của Bộ Y tế). Đồng thời, phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ 5K, khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến.

Đặc biệt, hành khách phải cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của thành phố và cơ sở lưu trú (khách sạn) do Hà Nội công bố. Hành khách tự đảm bảo các chi phí cách ly và xét nghiệm theo quy định.

Sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày. Thành phố sẽ công bố các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở lưu trú, khách sạn phục vụ cách ly và chi phí liên quan để người dân tự chọn.

Trường hợp công tác công vụ, lực lượng tham gia phòng chống dịch về Hà Nội thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Hà Nội yêu cầu người bay từ TP.HCM về cách ly tập trung 7 ngày

Với hành khách từ sân bay Đà Nẵng về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội, cũng đáp ứng các tiêu chí trên, nhưng thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 trước khi kết thúc cách ly và tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo.

Với hành khách đi từ sân bay Nội Bài cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT.

Với sân bay Nội Bài, Hà Nội yêu cầu tổ chức phân luồng hành khách đến và lưu trú tại Hà Nội, hành khách chỉ đến Nội Bài và đi về các tỉnh, thành khác; hành khách đến thực hiện công vụ... để phục vụ công tác phòng chống dịch và đón công dân.

Các hãng hàng không phải quy trách nhiệm cụ thể cho cac đơn vị bán vé, chỉ bán cho khách có đủ điều kiện được bay theo quy định, chỉ cho phép khách đủ điều kiện bay lên máy bay. Nếu để lọt hành khách đến sân bay điểm đến không đủ điều kiện phải chịu trách nhiệm chở khứ hồi hành khách quay trở lại điểm đi.

Hành khách tham gia chuyến bay phải cam kết về trách nhiệm phòng chống dịch Covid-19 và các chi phí xét nghiệm, cách ly (nếu có) theo quy định của địa phương khi mua vé máy bay.

UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT chưa xem xét việc vận chuyển hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội và tiếp tục nghiên cứu, thống nhất, phối hợp đảm bảo an toàn với các chuyến bay về sân bay quốc tế Nội Bài.

TP.HCM ngừng các bệnh viện dã chiến cấp thành phố

Trong 16 bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp thành phố, TP.HCM sẽ giữ lại 3 BVDC để hình thành 3 "BVDC 3 tầng", 13 BVDC còn lại theo lộ trình từ cuối tháng 10 đến cuối năm sẽ ngừng toàn bộ.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM hạ nhiệt cả về số mắc, tử vong, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có tờ trình về lộ trình tái cấu trúc bệnh viện dã chiến (BVDC) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn sau ngày 1.10.

Y bác sĩ của tỉnh Cao Bằng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rời BVDC số 2

DUY TÍNH

Lộ trình ngưng bệnh viện dã chiến: TP.HCM có 16 BVDC, theo lộ trình, các BVDC lần lượt sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, 11 và 12.021. Riêng BVDC số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 12.2021 do được đầu tư hệ thống nguồn ô xy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 khi các BVDC khác ngừng hoạt động.

BVDC số 5 cũng trong danh sách BVDC ngừng hoạt động sau cùng do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các BV trong khu vực trung tâm thành phố (BV Nguyễn Trãi, BV Nguyễn Tri Phương, BV An Bình).

Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM cho phép các BVDC thành phố ngừng hoạt động theo lộ trình để bàn giao cơ sở hạ tầng cho cơ quan chủ quản nhằm phục hồi lại chức năng ban đầu khi thành phố thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Giữ và lập mới nhiều bệnh viện dã chiến quận, huyện: Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, một số quận, huyện đã chủ động thành lập BVDC trên địa bàn quận, huyện giúp thu dung điều trị các F0 có triệu chứng, đồng thời góp phần giảm tải cho các BVDC thành phố. Mô hình BVDC quận, huyện cùng phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, giúp cho các BV quận, huyện chuyển đổi trở lại công năng ban đầu để thực hiện chức năng khám, chữa bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn.

Do đó, khi giải thể các BVDC của thành phố, rất cần các BVDC của quận, huyện đảm trách thu dung các trường hợp F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Tính đến ngày 8.10, đã có 15 BVDC quận, huyện đi vào hoạt động với tổng quy mô gần 7.000 giường.

Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo tất cả các quận, huyện còn lại sớm thành lập BVDC với quy mô từ 300 - 500 giường/BV, trong đó có 30 - 50 giường ô xy, do BV quận, huyện hoặc BV thành phố trên cùng địa bàn đảm trách.

Đối với BVDC quận, huyện đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học cần chuẩn bị phương án di dời sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp. Ưu tiên sử dụng nguồn đất công thành lập BVDC để có thể sử dụng lâu dài.

Lập 3 bệnh viện dã chiến 3 tầng: Về tiếp nhận 3 trung tâm hồi sức Covid-19 thuộc BV Bạch Mai (trong BVDCV số 16), BV Hữu nghị Việt Đức (trong BVDC số 13), BV Trung ương Huế (trong BVDC số 14), sau khi các BV này rút về, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM cho phép các BV thành phố tiếp nhận và triển khai mô hình “BVDC 3 tầng" tại các BVDC này.

Cụ thể, BV Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận trung tâm hồi sức thuộc BV Hữu nghị Việt Đức, dự kiến tiếp nhận vào ngày 15.10; BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận trung tâm hồi sức thuộc BV Bạch Mai, dự kiến tiếp nhận vào ngày 20.10; BV Nhân dân 115 tiếp nhận trung tâm hồi sức thuộc BV Trung ương Huế, dự kiến tiếp nhận vào cuối năm 2021.

Các trung tâm hồi sức nêu trên sẽ sáp nhập với BVDC số 16 , số 13 , số 14 trở thành các “BVDC chiến 3 tầng”.

Sở Y tế sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) từ các BV đa khoa, chuyên khoa thành phố, quận, huyện đến các “BVDC 3 tầng”. Các BV đảm trách trung tâm hồi sức này sẽ chịu trách nhiệm đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu cho các y bác sĩ của các BV thành phố, quận, huyện trong thời gian luân phiên công tác tại các BVDC này.

TP.HCM ngừng bệnh viện dã chiến thành phố; lập bệnh viện dã chiến quận huyện

Mong ngóng ngày hàng rào kẽm gai không còn án ngữ trên đường phố

Sau ngày 1.10, nhiều rào chắn, chốt kiểm soát ở nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã được gỡ bỏ để trả lại lòng đường cho người dân lưu thông. Tuy nhiên, ở một số tuyến đường ở TP.Thủ Đức vẫn còn những hàng rào thép gai vẫn chưa được gỡ bỏ.

Chiều ngày 10.8, anh Tuấn Thành, nhận được đơn hàng giao tới phường Hiệp Phú. Tuy nhiên, khi tới đầu đường Lê Lợi do vẫn còn các rào thép gai nên anh phải gọi điện để người nhận ra để nhận hàng.

Thường xuyên giao hàng ở các tuyến đường nhiều tháng nay. Anh Tuấn Thành đã quá quen với hình ảnh những chiếc hàng rào ở trên đường như thế này.

Nhiều người dân khi di chuyển tới chỗ rào chắn này thấy biển phải đi vòng một con đường khác để vào. Trên hàng rào cũng có ghi hướng dẫn người dân ra vào có thể đi một đường ở gần đó. Mặc dù vậy, vẫn có những người không biết nên phải hỏi đường.

Mong ngóng ngày hàng rào kẽm gai không còn án ngữ trên đường phố TP.HCM

Theo ông Nguyễn Lê Hiệp, Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú, trước ngày 30.9 phường đã tháo dỡ rào chắn tại các lối dẫn vào khu dân cư để người dân dễ dàng lưu thông.

Tuy nhiên, hiện còn một số rào chắn dẫn vào các khu chợ truyền thống vẫn chưa được tháo dỡ để hạn chế người dân ra vào chợ, tránh trình trạng buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường.

Theo dự kiến, sau khi tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 xong cho người dân và tiểu thương, phường sẽ tháo dỡ các chốt chặn, hàng rào này để chợ hoạt động lại và người dân lưu thông.

Trước đó, TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các rào chắn trong khu vực nội ô giữa các quận, phường hay các chốt chặn ở các con hẻm trong khu dân cư trước 30.9. Đến ngày 1.10, TP.HCM bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 cho giai đoạn mới.

Vui trong thấp thỏm ngày “chợ nhà giàu” Tân Định mở cửa trở lại

Sau nhiều tháng phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, ngày 8.10.2021 chợ Tân Định (ở quận 1, TP.HCM) đã được phép hoạt động trở lại.

Phải tạm nghỉ sau 3 tháng, Bà Nguyễn Thị Kim Oanh một tiểu thương đã 40 năm buôn bán ở nơi mà nhiều người thường quen gọi là “chợ nhà giàu” mới có thể mở sạp để bán hàng.

Nhiều tháng nghỉ ở nhà, đến khi mở bán trở lại bà Oanh chưa thể mừng vì nhiều hàng hóa cũ đã hư hỏng. Thêm vào đó là lượng khách mua hàng cũng giảm hẳn.

Tại gian hàng bán gia vị, chị Trần Thị Hằng cũng lo lắng khi chỉ có thể bán được 30% so với thời điểm trước dịch. Trong ngày đầu bán trở lại, những tiểu thương như chị cũng không dám lấy nhiều hàng vì sợ không bán được.

Để buôn bán trở lại, những yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, nhiều tâm chắn bằng nilon cũng được các tiểu thường treo trước cửa hàng. Các chủ tiệm cũng tự trang bị các dụng cụ phòng chống dịch.

“Chợ nhà giàu” Tân Định mở cửa trở lại, tiểu thương vui trong thấp thỏm

Trong ngày đầu mở cửa, một số người dân ở gần cũng đã bắt đầu quay lại để mua thực phẩm, hàng hóa tại ngôi chợ này.

Hiện tại, ở chở này chỉ có một số mặt hàng về thực phẩm như rau, củ quả và một số hàng ăn, thức uống phục vụ mang về hoạt động. Tuy nhiên, số lượng sạp bán các mặt hàng này cũng không nhiều.

Bên cạnh chợ Tân Định thì trong ngày 8.10.2021 còn có 2 chợ khác là chợ Bàu Cát (ở quận Tân Bình) và chợ Sơn Kỳ (ở quận Tân Phú) cũng vừa được hoạt động trở lại, nâng tổng số chợ được hoạt động trở lại tại TP.HCM là 34 chợ.

Tuy nhiên, hiện tại toàn thành phố vẫn còn 200 chợ truyền thống vẫn đang tạm ngưng hoạt động.

Giới trẻ Sài Gòn thích thú trở lại đường sách

9h00 sáng ngày 9.10.2021, Đường Sách TP.HCM chính thức mở cửa hoạt động trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19.

Để đảm bảo an toàn cho người dân khi đến Đường Sách, tất cả mọi người sẽ phải thực hiện 3 bước sau: Khai báo y tế điểm đến. Quét thẻ xanh, thẻ vàng vaccine hoặc chứng nhận F0 đã khỏi bệnh trong vòng 180 ngày. Sau đó khách sẽ được đo thân nhiệt và rửa tay tự động (trường hợp bạn đọc trên 380C thì sẽ được bố trí khu vực ngồi chờ để kiểm tra thân nhiệt trở lại.

Trong không gian Đường Sách, khách sẽ được thường xuyên hướng dẫn để giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang trong suốt quá trình tham quan, mua sách tại Đường Sách

Mỗi gian hàng sách đều có bảng hướng dẫn lối vào, lối ra cho khách, có màn chắn giữa quầy thu ngân với khách hàng khi thanh toán và có dấu chân đánh dấu yêu cầu giữ khoảng cách, bên cạnh đó, nhân viên cửa hàng thường xuyên giám sát số lượng khách vào gian hàng, đảm bảo diện tích 4m2/người.

Đối với hoạt động của quán café sách, khách được hướng dẫn sắp xếp lối vào và lối ra, khoảng cách an toàn và chỉ phục vụ bán mang đi.

Trong ngày đầu mở lại, không ít các bạn trẻ cảm thấy hào hứng, thích thú trở lại không gian văn hóa quen thuộc mỗi cuối tuần.

Giới trẻ Sài Gòn thích thú trở lại đường sách sau 4 tháng ở nhà

Theo ghi nhận từ Công ty Đường Sách, tổng lượt khách tham quan Đường Sách trong buổi sáng ngày 9.10 vào khoảng 300 người, doanh số khoảng 50 triệu đồng cho 20 gian hàng mở cửa hoạt động trở lại. Lượng sách phục vụ nhiều nhất dành cho đối tượng thiếu nhi, đa phần phụ huynh đến Đường Sách để mua sách cho con em mình sau thời gian giãn cách xã hội.

Cụ ông U90 đi đăng ký xe ngày bình thường mới

Cứ tưởng phải chờ rất lâu để được làm hồ sơ đổi số và biển số xe nhưng cụ ông Nguyễn Văn Gỗ (84 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) rất bất ngờ vì thủ tục được giải quyết nhanh gọn lẹ. Phần vì đã lớn tuổi nên ông được ưu tiên giải quyết được, phần vì điểm đăng ký xe cũng bố trí tăng cường nhân lực để người dân không phải chờ đợi lâu, tránh tình trạng tập trung đông.

Sáng 9.10.2021, dù là ngày cuối tuần nhưng điểm đăng ký xe của Đội đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ở địa chỉ số 282 đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn có khá đông người dân đến lấy số thứ tự, xếp hàng chờ tới lượt vào đăng ký xe hoặc làm các thủ tục về xe.

Trước đó, từ 21.6, các điểm đăng ký xe trên địa bàn TP.HCM tạm ngưng tiếp dân để phòng chống dịch Covid-19. Ngay khi hoạt động trở lại vào 1.10, người dân đã đến để giải quyết các thủ tục về xe như: đăng ký mới, sang tên đổi chủ, đổi biển số vàng,…

Khu vực sân của điểm đăng ký xe có nhiều xe ô tô 4 chỗ, 7 chỗ và xe ô tô tải chờ đăng ký mới. Người dân, nhân viên của các hãng xe đến hỗ trợ khách đăng ký được sắp xếp ngồi chờ giãn cách ở khu vực ghế đá. Trước khi vào làm việc, người dân phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và lấy số thứ tự.

Trong khu vực giải quyết thủ tục hạn chế số người trong phòng, ghế chờ được sắp xếp đảm bảo khoảng cách an toàn. Người dân ngồi chờ gọi đến số thì lên nộp hồ sơ, giải quyết. Trong sáng 9.10, phần đông người dân đến điểm đăng ký xe này để bấm biển số mới, một số ít còn lại là người đi đổi biển số vàng cho xe kinh doanh vận tải và sang tên, đổi chủ xe qua sử dụng.

Theo quy định, người dân đến các điểm đăng ký xe phải thực hiện khai báo y tế; sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử.

Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày hoặc tiêm đủ 2 mũi hoặc là F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày.

Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết để thực hiện tốt công tác chuyên môn, giải quyết nhanh chóng thủ tục đăng ký xe cho các cá nhân, tổ chức; đồng thời thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19, PC08 tăng cường làm việc thêm vào buổi chiều thứ bảy (từ 13 giờ đến 17 giờ) và ngày Chủ nhật (Sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ) trong tháng 10.2021.4 điểm đăng ký xe của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM

4 điểm đăng ký xe của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM

  1. Điểm đăng ký xe tại Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (số 282 đường Nơ Trang Long, P.12, Q.Bình Thạnh)
  2. Điểm Đăng ký, cấp biển số xe ô tô An Sương (số 1509 đường Nguyễn Ảnh Thủ, P.Trung Mỹ Tây, Q.12)
  3. Điểm Đăng ký, cấp biển số xe ô tô Rạch Chiếc (số 212 Quốc lộ 1, P.Tân Phú, TP.Thủ Đức).
  4. Điểm Đăng ký, cấp biển số xe ô tô Nam Sài Gòn (số 1366 đường Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Mỹ, Q.7).

Các điểm đăng ký xe của PC08 sẽ thực hiện các thủ tục: Đăng ký, cấp biển số xe; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký xe tạm thời; cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đổi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký xe từ tỉnh khác chuyển đến; sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khác; đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Riêng thủ tục cấp, đổi biển số vàng, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP. vẫn tiếp tục tiếp nhận tất cả các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến chủ nhật) đến hết ngày 31.12.2021.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 hôm nay 9.10 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.