Nín thở chờ bay, hàng không mong Chính phủ 'quyết' bay trở lại

Mai Hà
Mai Hà
08/10/2021 16:28 GMT+7

Lãnh đạo các hãng hàng không đều bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm có ý kiến với các địa phương để mở lại đường bay nội địa.

Chính phủ cần ra quyết định

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines, 16 tỉnh đồng ý mở lại bay nội địa là tín hiệu tích cực cho việc mở cửa đi lại.

Muốn phát triển kinh tế sau dịch, trước hết phải mở cửa giao thông, trong đó có hàng không. Nếu không mở cửa giao thông sẽ gây tắc nghẽn rất lớn, gây trở ngại cho việc giao thương kinh tế và giao lưu các vùng miền.

Câu hỏi đặt rà là, nếu không mở cửa mà vẫn tiếp tục đóng thì tiêm chủng để làm gì? Khi đó sẽ lãng phí nguồn lực, cả thời gian và tiền bạc khi toàn bộ nguồn lực đã đầu tư vào việc đưa hoạt động của xã hội trở lại bình thường mới thông qua việc chống dịch thành công và an toàn, nhưng không mở cửa để phát triển kinh tế trở lại.

Cũng theo người đứng đầu Vietravel Airlines, khi dòng người luân chuyển sẽ dẫn đến những nguy cơ lây lan dịch bệnh nhất định. Vì thế, Bộ Y tế cần ban hành thận trọng, kỹ lưỡng bộ tiêu chí “On Hot”, như một “bộ luật” cho những người dân sống, đi lại và kinh doanh trong bối cảnh sống chung với dịch.

Hành khách được test nhanh tại sân bay Nội Bài

như hà

Tuy nhiên, thực tế là một số hướng dẫn ban hành trong thời gian vừa qua của Bộ Y tế chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, chưa giải toả được các nỗi lo của các địa phương. Do vậy, các địa phương vẫn phải cẩn tắc vô áy náy là "đóng cửa đã".

“Điều này dẫn đến đòi hỏi một cấp cao hơn, Chính phủ phải vào cuộc. Chính phủ là cơ quan cấp trên của các bộ, cấp trên của các tỉnh và là cơ quan điều hành toàn bộ hoạt động của đất nước.

Chính phủ sẽ ra quyết định và trên cơ sở quyết định đó, các tỉnh sẽ chấp hành. Nếu chúng ta không làm như vậy, các tỉnh sẽ có quy định của riêng mình. Khi đó, các quy định riêng của các địa phương sẽ rất dày và có thể đóng được “Covid-19 toàn tập của các tỉnh”. Điều này vô hình biến mỗi địa phương là một lãnh thổ và làm khó cho việc mở cửa kinh tế”, ông Kỳ nói.

Hàng không sẽ tạo ra "hành lang xanh"

Mở sớm lại các đường bay nội địa cũng là mong muốn của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways.

Một lo lắng của các tỉnh, thành và chính người dân là liệu có an toàn khi mở các đường bay trở lại? Về vấn đề này, ông Nguyễn Bác Toán, Giám đốc thương mại Vietjet Air, cho biết ngành hàng không nói chung và Vietjet Air nói riêng hoàn toàn có thể tạo thành “hàng lang xanh”, “chuyến bay xanh” cho hành khách, kiểm soát dịch một cách tốt nhất.

Để hàng không trở lại bình thường mới, theo đại diện Vietjet Air, đầu tiên Chính phủ cần làm việc với lãnh đạo các địa phương, không nên để tuỳ nghi theo địa phương sẽ rất khó khăn.

Thứ hai, nên tập trung làm rõ và thống nhất quy định xét nghiệm, tiêu chí an toàn hàng không. Như ở Mỹ hay châu Âu, khi tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương chưa đồng đều, họ chỉ cần có kết quả xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ.

Ông Nguyễn Bác Toán, Giám đốc thương mại Vietjet Air

M.H

Ông Toán cũng tiếp tục đề nghị không áp dụng giá sàn. “Vì người dân đã quá vất vả rồi, chúng ta nên để người dân đi lại dễ dàng, không còn phải đi lại bằng xe máy khổ sở như những hình ảnh trong những ngày vừa qua. Từ đó khôi phục kinh tế và cho phép cuộc sống thực sự trở lại bình thường mới”, đại diện VJA chia sẻ.

Về phía Vietnam Airlines, ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng “đã mở cửa thì phải hoàn toàn, đồng đều, khách không thể bay xuống Nội Bài chỉ để đi về các địa phương khác được cho phép”.

Nếu tỉnh này mở mà tỉnh kia đóng sẽ phát sinh rào cản đi từ Hà Nội về các tỉnh thì giấy phép như thế nào, ai kiểm soát? “Không thể tỉnh này nói thế này, Bộ GTVT nói như thế kia. Chính phủ cần giải quyết vấn đề này”, ông Quang nhìn nhận.

Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân thì cho rằng, hiện trên thế giới, mức quy định cao nhất để cho phép hành khách đi lại là: tiêm đủ vắc xin 2 mũi, có xét nghiệm trong 72 tiếng trước khi xuất phát và cách ly khi tới nơi.

Việt Nam đã có hơn 13 triệu người tiêm đủ 2 mũi, vì thế ở giai đoạn 1 có thể cho phép người tiêm đủ 2 mũi, xét nghiệm âm tính được bay. Đồng thời, kiểm soát chặt việc đi lại từ điểm xuất phát, thì những hành khách đủ tiêu chuẩn có thể đi lại dễ dàng.

“Nếu sân bay ở vùng an toàn, hành khách chỉ cần tiêm 1 mũi và có xét nghiệm. Nếu ở khu vực “nóng” thì cần đủ 2 mũi. Hoặc chúng ta nới lỏng theo từng giai đoạn, theo lộ trình, tình hình chống dịch để điều chỉnh”, ông Quân nói.

Địa phương đồng ý mở nhưng vẫn lo

Về phía địa phương, ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, cho biết sở này đã tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh có văn bản gửi Cục hàng không Việt Nam về việc thống nhất mở lại đường bay, nhưng vẫn còn những vấn đề lo ngại và thận trọng trong việc tiếp đón người dân.

Chẳng hạn, nếu mở đường bay Tuy Hòa - Hà Nội, việc phòng chống dịch sẽ đỡ hơn rất nhiều so với đường bay Tuy Hoà - TP.HCM. Bởi liên quan đến việc phòng chống dịch, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tất cả những người đi từ vùng dịch từ các tỉnh, thành phía nam về đều phải cách ly từ 7 - 14 ngày.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc bố trí các khu cách ly tập trung và thực hiện các công việc khác của người di chuyển từ TP.HCM đi công tác ở Phú Yên hoặc vào TP.HCM.

“Những người này đều phải cách ly 7 - 14 ngày nên rất khó duy trì lâu nếu tình trạng dịch tiếp diễn ở các tỉnh phía nam như hiện tại”, ông Đông nói.

Theo kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, đối với chuyến bay Tuy Hoà - Hà Nội là 3 chuyến/ngày, hoặc đến TP.HCM là 4 chuyến/ngày. Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết sẽ tính toán lại và đề nghị giảm tần suất xuống cho phù hợp lưu lượng khách.

Gánh nặng khi mở cửa đường bay nội địa sẽ dồn về các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Địa phương sợ bùng phát dịch, không có khu cách ly, sợ vỡ trận về y tế.

Cần xác định vùng nào có nguy cơ. Những người đi từ vùng xanh không có ca bệnh thì thoải mái. Còn những vùng có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao như TP.HCM, Bình Dương, Long An, kể cả đã tiêm vắc xin nhưng nguy cơ mang mầm bệnh vẫn cao.

Vì vậy, kiểm soát dịch nên tập trung vào việc cách ly, tiêm chủng, nguy cơ vùng, chứ không phải kiểm soát hành chính. Nếu đi từ vùng nguy cơ cao, thì phải có quy định về xét nghiệm, cách ly; những tỉnh có nguy cơ không cao thì đơn giản hơn. Về lâu dài, khi nào tỷ lệ toàn quốc tiêm chủng cao, có thể bỏ các hàng rào kỹ thuật phòng chống dịch.

TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.