Xe

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: ‘Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự’

03/10/2016 19:46 GMT+7

Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi gặp mặt giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với doanh nghiệp, doanh nhân TP chiều 3.10.

Doanh nhân có vai trò đặc biệt quan trọng

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết doanh nghiệp, doanh nhân là bộ phận chủ yếu tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Trong lịch sử nước nhà, đã xuất hiện nhiều tấm gương doanh nhân yêu nước, hiến tặng cả cuộc đời và sản nghiệp cho sự nghiệp cách mạng. Tiêu biểu như gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cách mạng hơn 5.000 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố của Chính phủ lúc bấy giờ.

Hay như gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà đã tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác tham gia đóng góp trong Tuần lễ vàng - do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động nhằm khuyến khích người dân đóng góp cho ngân sách quốc gia, tháo gỡ khó khăn tài chính của đất nước. Và nhiều tấm gương khác như doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ...

Từ đó, Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong các nghị quyết, chỉ thị, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về doanh nghiệp, doanh nhân, tinh thần chung là nhấn mạnh một số chủ trương, định hướng lớn, như xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (ngoài cùng bên trái) trao đổi với doanh nghiệp Đào Ngọc Thạch

Ngoài ra, hoàn thiện thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, đổi mới quản lý Nhà nước và quản trị nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, kinh doanh và phát triển.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, về tài chính công, thuế, tài nguyên môi trường, bảo vệ người tiêu dùng. Tạo lập môi trường pháp lý cạnh tranh, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh, đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu lực xét xử của tòa án về các vụ việc tranh chấp thương mại, khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Bài học đoàn kết để phát triển

Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đánh giá rất cao ý kiến phản ánh của doanh nghiệp. Lãnh đạo TP sẽ tiếp thu ý kiến phản ánh của doanh nghiệp. Những gì thuộc thẩm quyền, TP sẽ giải quyết sớm, còn vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo, đề xuất lên T.Ư và bộ ngành.

“Đảng và nhà nước luôn luôn đẩy mạnh phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó chú trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãnh đạo TP hết sức quyết liệt trong việc triển khai nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Nhưng có những việc giải quyết được ngay còn có việc cần thời gian”, ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, TP rất quan tâm tới việc cải cách hành chính nhưng cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng được mong đợi của người dân, doanh nghiệp. TP sẽ duy trì kênh đối thoại giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp một tháng diễn ra một lần.

Bí thư Đinh La Thăng (đứng) khẳng định các doanh nghiệp cần phải đoàn kết để phát triển Đào Ngọc Thạch

Đề cập đến sự đoàn kết, ông Thăng kể câu chuyện một đàn sói đang đi vào rừng thì gặp phải cơn bão tuyết cực kỳ mạnh. Nếu từng con chống chọi với bão tuyết chắc chắn đàn sói sẽ chết hết. Do đó toàn bộ đàn sói xếp thành hàng dọc, con nọ bám vào con kia thành một hàng. Khi con sói ở hàng đầu tiên thấy đuối sức lại quay xuống bám vào con cuối cùng. Khi cơn bão tan, cả đàn sói đều thoát chết.

“Doanh nghiệp chúng ta cũng cần đoàn kết như vậy nhưng cuối cùng lại mạnh ai nấy làm. Tôi cũng từng làm doanh nghiệp nên hết sức chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nhân”, ông Thăng nói.

Bí thư Thành ủy khẳng định các doanh nghiệp trong nước phải kết nối với nhau để tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. VN có truyền thống đoàn kết. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì sức mạnh đoàn kết rất mạnh mẽ. Tuy nhiên trong kinh tế, sức mạnh đó vẫn chưa đươc phát huy mà còn mạnh ai nấy làm.

“Cho nên cần phải kết nối để tạo sự cạnh tranh. Trước hết phải thắng ở sân nhà rồi mới ra bên ngoài. Cuộc chơi kinh tế bị dẫn đắt bởi các hiệp định thương mại tự do thì việc kết nối, liên kết càng cần thiết”, ông Thăng nói.

Cuối cùng, ông Thăng mong muốn doanh nghiệp cần dám nghĩ, dám làm và đặt niềm tin vào lãnh đạo TP. Lãnh đạo TP cũng sẽ đặt niềm tin vào doanh nghiệp. Nếu sự phối hợp giữa hai bên hiệu quả thì mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ thành hiện thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.