Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự khai mạc Hội nghị Cấp cao Á - Phi

(TNO) Sáng nay 22.4, tại Trung tâm Hội nghị Jakarta (Indonesia), Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của các đại biểu từ 105 châu Á và châu Phi, 15 nước quan sát viên và 17 tổ chức quốc tế.

(TNO) Sáng nay 22.4, tại Trung tâm Hội nghị Jakarta (Indonesia), Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015 đã chính thức khai mạc, với sự tham dự của các đại biểu từ 105 châu Á và châu Phi, 15 nước quan sát viên và 17 tổ chức quốc tế.

hoi-nghi-A-PhiTổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) chào mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
dự Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015 - Ảnh: BTC

Sự kiện có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao các quốc gia Á, Phi như Tổng thống Myanmar Thein Sein, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Thủ tướng Palestine Rami Hadallah, Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam...

Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015 tổ chức tại Jakarta từ 22 - 23.4 và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955; 10 năm Quan hệ đối tác chiến lược mới Á - Phi tại Bandung diễn ra vào 24.4.

Hội nghị năm nay có chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam - Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thế giới”, dự kiến sẽ thông qua 3 văn kiện cấp cao: Thông điệp Bandung, Tuyên bố về việc làm sống động Quan hệ đối tác chiến lược mới Á - Phi và Tuyên bố về Palestine.

hoi-nghi-A-PhiCác nhà lãnh đạo các quốc gia Á, Phi tham dự Hội nghị tại phiên chụp ảnh chung - Ảnh: BTC

Phát biểu khai mạc Hội nghị, tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo nhấn mạnh 60 năm kể từ sau Hội nghị Cấp cao Á - Phi lần đầu tiên tổ chức tại Bandung (Indonesia) năm 1955 đến nay, những thách thức mà các quốc gia châu Á và châu Phi phải đối mặt vẫn chưa được giải quyết.

hoi-nghi-A-PhiChủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà lãnh đạo Á, Phi
- Ảnh: Văn Yên

Sau 60 năm, thế giới đang đứng trước những vấn đề mới với những diễn biến phức tạp, khó lường. Xu hướng chính trị cường quyền và tính bất ổn trong tình hình thế giới, khu vực có dấu hiệu gia tăng, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt hơn. Khu vực Trung Đông và châu Phi tiếp tục là điểm nóng với nhiều xung đột lan rộng, các hoạt động khủng bố cực đoan diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Tại châu Á, hòa bình và hợp tác là xu thế chủ đạo, dù tiềm ẩn một số thách thức. Do vậy, nhu cầu hợp tác đa phương giữa các quốc gia, giữa các khu vực nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu mới ngày càng tăng.

hoi-nghi-A-PhiNước chủ nhà dành sự đón tiếp trọng thị cho các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: BTC

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Joko Widodo cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề Palestine và sự cần thiết xây dựng một cấu trúc kinh tế chung mới để hỗ trợ cuộc đấu tranh cho sự ổn định và bình đẳng ở hai châu lục.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo và đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ đối tác và thảo luận về các chiến lược để vượt qua những thách thức chung và thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả hai châu lục thông qua hợp tác Nam - Nam mạnh hơn. Theo chương trình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

hoi-nghi-A-PhiHàng nghìn sinh viên, học sinh đã được nước chủ nhà huy động đón chào
các đoàn đại biểu - Ảnh: BTC

 

hoi-nghi-A-PhiCác nhà lãnh đạo tham dự phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao Á - Phi - Ảnh: BTC

Hội nghị Cấp cao Á - Phi lần đầu tiên tổ chức tại Bandung (Indonesina) từ 18 - 24.4.1955 (Hội nghị Bandung), với sự tham gia của Lãnh đạo 29 nước Á - Phi, khởi đầu cho quá trình hợp tác Á - Phi. Hội nghị đã đưa ra 10 nguyên tắc làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở hai châu lục, trong đó có các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế... 

Hội nghị đã trở thành động lực đưa đến những biến đổi to lớn với việc hàng loạt nước giành độc lập ở châu Á và châu Phi, tiền đề cho việc thành lập Phong trào Không Liên kết, Nhóm 77 và hợp tác Nam - Nam.

Indonesia huy động 10.000 cảnh sát cho Hội nghị Á - Phi 2015

Theo hãng tin ANTARA (Indonesia), Cảnh sát Quốc gia Indonesia đã triển khai 10.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh cho Hội nghị Cấp cao Á - Phi tại Jakarta và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955. Số lượng cảnh sát hùng hậu này sẽ được triển khai tại các địa điểm tổ chức sự kiện, các tuyến đường và tại nơi ở các đoàn khách quốc tế.

Theo người phát ngôn của cơ quan Cảnh sát Quốc gia Indonesia, trong số 10.000 cảnh sát có các lực lượng đặc biệt, trong đó có cả các đơn vị sinh - hóa phóng xạ, các đơn vị y tế và các đơn vị tình báo. Bên cạnh Cơ quan cảnh sát Quốc gia, Indonesia cũng phối hợp với quân đội nước này triển khai các tay súng bắn tỉa tại các địa điểm cần thiết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.