Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các doanh nhân là đại biểu Quốc hội - Ảnh: P.Hậu |
Cuộc gặp có sự tham dự của gần 40 doanh nhân là hội viên Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam (Hội LHTN Việt Nam) và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Doanh nghiệp không hào hứng vay vốn
Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Việt Đức, ông Nguyễn Ngọc Bảo, nhận xét: Chưa khi nào doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ như hiện nay, ngân hàng mang tiền đến tận nơi sẵn sàng cho vay. Nhưng dù lãi suất chỉ còn 13%, có rất ít doanh nghiệp muốn vay vì làm không đủ trả lãi.
Theo Chủ tịch HTX vận tải và công nghiệp Chiến Công, ông Đinh Huy Chiến, so với thời điểm cao nhất thì lãi suất vay vốn đã giảm 50% nhưng doanh nghiệp không vay vì hàng làm ra không tiêu thụ được, doanh nghiệp không có lợi nhuận. Ông Chiến kiến nghị quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu cần nhanh hơn, làm sao để hệ thống ngân hàng thật sự minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận và tạo lực phát triển cho doanh nghiệp.
Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP.Đà Nẵng kiêm Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Lê Văn Hiểu phản ánh hiện tượng doanh nghiệp chịu áp lực lớn từ thủ tục đáo nợ. Ở Đà Nẵng, doanh nghiệp địa phương đến kỳ đáo nợ thì lo chạy vạy khắp nơi, phải hùn tiền giúp nhau. Thủ tục này chỉ mang tính hình thức nhưng khiến doanh nghiệp thêm kiệt sức, ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất. Ông Hiểu đề xuất trong giai đoạn hiện nay nên có cơ chế cho phép linh hoạt trong đáo nợ, khoanh và giãn nợ, gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
Sợ cơ chế một cửa
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Anh Quân, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, ông Bùi Văn Quân phản ánh, nhiều doanh nghiệp còn sợ cơ chế “một cửa”. Khi ra đời cơ chế này, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian. Trên thực tế, doanh nghiệp đi qua “một cửa” này không dễ. “Nếu đã là “một cửa” thì khi đưa hồ sơ, doanh nghiệp còn thiếu gì thì nói một lần để hoàn thiện cho xong nhưng đi lại đến 10 ngày, 1 tháng, thậm chí cả năm sau thì hồ sơ vẫn cứ thiếu. Cơ chế “một cửa” mà hồ sơ đi cả năm trời không qua được”, ông Quân nói.
Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng doanh nghiệp khó khăn phần lớn nằm trong nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong giai đoạn trung hạn, cần có chính sách củng cố sức cạnh tranh, hỗ trợ đầu tư cho nhóm này, định hướng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để hút đầu tư và học hỏi từ quá trình chuyển giao công nghệ của nước ngoài, giải quyết việc làm cho người lao động trong nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định công nghiệp hóa đất nước thì phải có doanh nghiệp, doanh nhân; doanh nhân phải tập trung trí tuệ, kiến nghị thẳng thắn để trong nghị quyết Quốc hội kỳ này có giải pháp sát sườn tháo gỡ khó khăn.
“Cùng với Chính phủ, VCCI và Hội LHTN Việt Nam phải theo dõi sát tình hình các doanh nghiệp, phải làm mạnh mẽ, dồn sức giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn. Doanh nghiệp vướng ở ngành nào thì phải mời đại diện ngành đó bàn cách tháo gỡ. Kinh tế vĩ mô muốn ổn định và phát triển thì sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp phải phát triển mạnh”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Phan Hậu
>> Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
>> Xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... còn chậm
>> Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
>> Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng
Bình luận (0)