Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vui mừng thông tin về những thành tựu quan trọng, những bước phát triển mới của đất nước trong nỗ lực không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh; cũng như sự lớn mạnh trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam với 193 quốc gia trên thế giới.
Nổi bật trong đó, quan hệ Việt Nam - Mỹ vừa được nâng cấp trở thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; tạo điều kiện, nâng cao vị thế của bà con người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Mỹ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước không bao giờ quên công ơn của kiều bào, cũng như những người bạn Mỹ thầm lặng tham gia vào phong trào phản chiến, đóng góp một phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chủ tịch nước ghi nhận bề dày truyền thống và những đóng góp của các kiều bào và Hội Việt kiều yêu nước cho sự hình thành và phát triển của Phái đoàn thường trú Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc, nhất là trong những ngày đầu còn hết sức khó khăn.
Tới nay, dù tuổi cao, nhiều kiều bào vẫn luôn mang tấm lòng hướng về quê hương, trở thành một trong những cầu nối quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước mong rằng các thế hệ kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, chủ động thông tin để cộng đồng bà con ta tại Mỹ, nhất là kiều bào trẻ thế hệ thứ 2, thứ 3, hiểu rõ hơn về tình hình đất nước và chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và bà con ta tại Mỹ nói riêng là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước mong cộng đồng người Việt tại Mỹ không ngừng đoàn kết, tuân thủ pháp luật và tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển của Mỹ, quan hệ song phương hai nước, cũng như công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương Việt Nam.
Ông Phạm Văn Tịch sinh năm 1952 tại Quảng Nam, trong một gia đình yêu nước, có bố và chú ruột là cán bộ Việt Minh thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ nhỏ, ông đã sớm được giác ngộ và tham gia các hoạt động hỗ trợ bộ đội, chuyển thư từ, tuyên truyền… dưới sự hướng dẫn của các cán bộ cách mạng.
Năm 1967, trong một trận bom, ông bị thương nặng và phải cưa hai chân, sau đó may mắn gặp một nhóm bác sỹ và nhà thiện tâm yêu chuộng hòa bình đưa sang Mỹ điều trị trong số 100 trẻ em bị thương nặng. Sức khỏe của ông ngày càng ổn định và được một gia đình Mỹ nhận nuôi và cho ăn học.
Là người có nghị lực mạnh mẽ, chứng kiến sự tàn khốc và là nạn nhân chiến tranh, được sự cưu mang và động viên của gia đình, ông đã vượt qua nghịch cảnh để học tập, tốt nghiệp và trở thành chuyên gia ngành khoa học máy tính tại Đại học Berkeley, California (Mỹ).
Ông Phạm Văn Tịch đã tham gia tổ chức và cùng nhiều du học sinh ở Mỹ và người Mỹ yêu chuộng hòa bình xuống đường biểu tình đòi rút quân, phản đối chiến tranh Việt Nam, kết hợp và tham gia cùng ông Nguyễn Văn Lũy vào Hội Liên hiệp Việt kiều tại Mỹ, sau đổi tên thành Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ.
Sau khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục tích cực hoạt động, vận động quyên góp ủng hộ trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn, hỗ trợ ủng hộ các phái đoàn, cơ quan ngoại giao của Việt Nam trong những ngày đầu thành lập tại Mỹ. Hiện ông Tịch tuổi cao sức yếu, nhưng gia đình ông vẫn là mái ấm của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam đang học tập tại khu vực Oakland, California (Mỹ).
Bình luận (0)