Dự án treo đang thành căn bệnh trầm kha
Sáng 25.4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
gia hân |
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách do Phó chủ nhiệm Ủy ban Phạm Thúy Chinh trình bày chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, dẫn đến lãng phí nguồn lực nhà nước.
Cụ thể, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng trong công tác chuẩn bị đầu tư, có nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra ngay từ những bước đầu tiên.
Việc rà soát, điều chuyển, bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án chưa được thực hiện kịp thời, linh hoạt.
“Đây là tồn tại kéo dài nhiều năm, đề nghị Chính phủ cần kiên quyết xử lý dứt điểm”, báo cáo thẩm tra nêu.
Đặc biệt, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, một số dự án quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong công tác triển khai, đưa vào hoạt động gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.HCM.
Vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công cũng được Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh quan tâm, đặc biệt là các dự án treo.
Theo bà Thanh, các dự án treo ở địa phương tương đối phức tạp, đang là căn bệnh trầm kha và dẫn tới nhiều hệ lụy, nhất là việc thu hồi đất nhưng không sử dụng được.
"Nhiều nhà đầu tư, chủ đầu tư lập dự án được cấp đất nhưng thực tế không thực hiện dự án mà chuyển nhượng qua nhiều lần để hưởng chênh lệch dẫn đến dự án treo. Nguyên nhân không phải vì nhà đầu tư gặp khó khăn mà ý thức nhà đầu tư cũng như chính quyền giao dự án biết nhà đầu tư không thực hiện nhưng vẫn giao đất. Nhiều dự án chuyển 2 - 3 lần nhà đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện được", bà Thanh nhận định.
"Không thể tăng cường, đẩy mạnh mãi"
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội không đồng tình với cách viết chung chung của báo cáo thẩm tra và đề nghị báo cáo trình bày trước Quốc hội không nêu lại báo cáo đầy đủ mà tập trung vào một số vấn đề lớn với địa chỉ cụ thể.
"Có những việc trầm kha nhiều năm rồi nhưng báo cáo cứ 3 sôi 2 lạnh thế này thì ra Quốc hội không đọng lại gì", Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương |
gia hân |
Dẫn ví dụ lĩnh vực đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2020 cũng có dịch Covid-19 nhưng giải ngân đạt 98%, trong khi năm 2021 chỉ đạt 83%, nguồn vốn ODA có những lúc không giải ngân được đồng nào.
"Cần phải nói rõ chỗ này. Cứ nói chung chung 3 sôi 2 lạnh không ai người ta nghe đâu", Chủ tịch Quốc hội nói và liệt kê hàng loạt các vấn đề cần phải đưa vào báo cáo của cơ quan thẩm tra trình ra Quốc hội, như: phân tán, dàn trải trong đầu tư công, tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia...
"Đây là căn bệnh trầm kha hiện nay. Tới đây năm 2022 - 2023 còn 347.000 tỉ lúc đấy không biết tiêu gì. Ba tháng đầu năm 2022 giải ngân đầu tư công cũng chỉ đạt 11% thôi", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị báo cáo có địa chỉ cụ thể, không nói chung chung.
"Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1, tiến độ chậm, lãng phí nguồn nhân lực,.. như thế nào. Nói thẳng chứ một số dự án là một số nào. Trong báo cáo của các đồng chí, một số địa phương, một số ngành, một số dự án,... Sao một số lắm thế? Sau người ta nói rằng "một số" ở đâu nhiều nhất thì trong diễn đàn Quốc hội nhiều nhất đấy", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, và cho rằng "anh nào làm tốt nói làm tốt, anh nào làm không tốt nói thẳng chứ sao phải ngại".
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc các cơ quan Quốc hội không dám "điểm tên, chỉ mặt" chính là một phần nguyên nhân khiến những tồn tại trong đầu tư công trở thành căn bệnh trầm kha.
"Có phải vì chúng ta không? Chúng ta không cương quyết, không bày tỏ thái độ. Khen biểu dương thật lực, anh nào chưa tốt nhắc nhở, anh nào kém phê bình, kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Không nói chung chung được", Chủ tịch Quốc hội nói.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra "nói thẳng" trong báo cáo và các kiến nghị đối với Chính phủ cũng phải "kiến nghị thẳng".
"Cứ nói chung chung hoàn thiện thể chế, tăng cường với siết chặt. Bỏ mấy cái chữ ấy đi. Siết chặt kiểu này là ngày càng lỏng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, Phó chủ tịch Trần Quang Phương, người đang là Trưởng đoàn Giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cho biết qua nghiên cứu để tiến hành giám sát thì thấy rằng, các báo cáo rất khó để đánh giá những điểm tiến triển của năm sau so với năm trước.
"Có khi báo cáo chỉ cần thay đổi một số chữ, số liệu còn lại báo cáo năm sau gần như không khác gì năm trước, không có sự so sánh, đối chiếu đánh giá vấn đề nào còn tồn tại, vấn đề nào phát sinh", ông Phương cho hay.
Ông Phương cũng đề nghị báo cáo thẩm tra cần có các kiến nghị cụ thể, chứ không thể chung chung, "tăng cường, đẩy mạnh mãi", sẽ không tạo ra sự chuyển biến.
Bình luận (0)