Chủ tịch Quốc hội: Nhận diện đầy đủ hơn về hành vi bạo lực gia đình

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/04/2022 16:37 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc nhận diện hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi vẫn còn nhiều vấn đề cần rà soát, nghiên cứu thêm.

Chiều 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về luật Phòng chống bạo lực gia đình dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

gia hân

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, việc Chính phủ trình dự án luật Phòng chống bạo lực gia đình ngay đầu nhiệm kỳ mới thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề văn hóa, xã hội rất quan trọng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

“Nhiều đồng chí trên này nói có cả chiều ngược lại nữa. Khối ông chồng cũng bị bạo lực gia đình đấy”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, chắc chắn dự án luật này sẽ nhận được sự quan tâm lớn của Quốc hội và cả xã hội.

Góp ý cụ thể vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để nhận diện đầy đủ hơn về các hành vi bạo lực gia đình.

Nêu hàng loạt các vấn đề như “bạo lực tình dục không giao hợp”, “hãm hiếp trong hôn nhân” hay vấn đề phổ biến là “lựa chọn giới tính thai nhi” Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Đây có phải là bạo lực gia đình hay không?

Theo Chủ tịch Quốc hội, lựa chọn giới tính thai nhi là vấn đề đang khá phổ biến, nhất là đối với phụ nữ và đề nghị cơ quan soạn thảo phải tính toán, rà soát trên cả lý thuyết lẫn thực tiễn để có nghiên cứu, làm rõ thêm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định nhận diện hành vi bạo lực của dự thảo “áp dụng với người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng” dường như chưa bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội dẫn ví dụ trường hợp từng có quan hệ nuôi dưỡng như bố nuôi, mẹ nuôi nhưng sau đó vì lý do nào đó vẫn sống cùng một nơi và xảy ra bạo lực hay việc con cái đã khước từ cha mẹ, cha mẹ đã khước từ con cái nhưng sau đó vẫn sống cùng một chỗ và xảy ra bạo lực… thì có thuộc phạm vi bạo lực gia đình hay không?

“Anh Hùng (Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL) cùng các bộ thuộc khối tư pháp xem rà soát thế nào chứ hiện nay mẹ kế bạo hành con riêng của chồng, bố dượng, thậm chí là người tình xâm hại bạo hành con riêng của vợ xảy ra hàng ngày rất nhức nhối. Ngày xưa các cụ nói câu ta phải suy nghĩ: Mấy đời bánh đúc có xương. Tất nhiên, giờ xã hội phát triển khác rồi, mình dần khắc phục được nhưng các cụ nói chưa sai câu nào cả các đồng chí ạ”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các cơ quan liên quan có nghiên cứu, nhận diện và có biện pháp để khắc phục vấn đề này.

Một vấn đề khác, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ vai trò phối hợp giữa các cơ quan trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải quy định rõ, cụ thể cơ quan nào là chủ trì, cơ quan nào là phối hợp để quy trách nhiệm cụ thể.

“Những vụ việc như cháu bé 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu thì việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý không kịp thời thì quy trách nhiệm cho ai?”, Chủ tịch Quốc hội nêu và cho rằng, nếu không quy định rõ trách nhiệm, ai cũng nghĩ việc chính của người khác thì hiệu quả công việc sẽ không cao.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, rất nhiều vụ việc mà báo chí, dư luận phản ánh thì cơ quan chức năng mới biết là minh chứng rất rõ cho vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ hơn vấn đề xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình vì dự thảo còn quy định chung, chưa cụ thể. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nếu cần nguồn lực nhà nước thì cơ quan soạn thảo mạnh dạn đề xuất vì đây là vấn đề đặc biệt quan trọng.

“Làm sao luật này ra đời phải tạo ra chuyển biến căn bản trong phòng chống bạo lực gia đình”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.