Chủ tịch Quốc hội: Đảm bảo công bằng giữa các ứng cử viên ĐBQH

13/04/2016 14:43 GMT+7

Các đơn thư đối với cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đều phải giải quyết đúng quy định pháp luật.

Các đơn thư đối với cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đều phải giải quyết đúng quy định pháp luật.

nguyen-thi-kim-nganChủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Ngọc Thắng

Đây là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp thứ 4 của Hội đồng bầu cử Quốc gia diễn ra sáng nay 13.4.

17 đơn tố cáo người ứng cử ĐBQH thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Theo báo cáo tổng hợp về tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử của Hội đồng bầu cử Quốc gia, tính đến ngày 10.4.2016, Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã nhận được 149 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị gửi đến Hội đồng bầu cử Quốc gia.

Trong số này có 142 đơn, thư có nội dung liên quan đến người ứng cử và công tác bầu cử, trong đó có 17 đơn tố cáo người ứng cử ĐBQH thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, 7 đơn không liên quan đến bầu cử, đơn nặc danh, không rõ nội dung khiếu nại, tố cáo.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, các đơn thư khiếu nại tố cáo đã được phân loại và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh các đơn thư đối với cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đều phải giải quyết đúng quy định pháp luật.

Liên quan đến việc phân bố 197 đại biểu T.Ư về ứng cử tại các địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý cần đảm bảo đúng nguyên tắc, không để tập trung quá đông các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một khu vực nào đó.

Về hoạt động tuyên truyền bầu cử, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các ứng cử viên, “tránh tình trạng quá tập trung cho những người có chức có quyền”.

Người ứng cử ngoài Đảng chiếm gần 20%

Về công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử ĐBQH khoá 14 và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, báo cáo của Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, đến thời điểm hiện tại, Ủy ban T.Ư MTTQVN và Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành đã hoàn thành xong việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ ở cả T.Ư và địa phương là 1.146 người. Trong số này, các ứng viên T.Ư là 197 người, địa phương là 949 người (trong đó có 154 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ 2,29 người ứng cử/1 đại biểu được bầu.

Cơ cấu kết hợp chung cả nước hiện nay, theo Hội đồng bầu cử quốc gia công bố, số người ứng cử là phụ nữ có 420 người (36,65%), người ứng cử là người dân tộc thiểu số 240 người (20,94%), người ứng cử là người ngoài Đảng 226 người (19,72%). Số người ứng cử là ĐBQH khoá 13 tái cử là 187 người (16,32%), người ứng cử dưới 40 tuổi là 428 người (37,35%).

Trong số 197 người ứng cử ĐBQH khoá 14 ở T.Ư, Khối cơ quan Đảng có 12 người (6,09%); Khối cơ quan Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp có 5 người (2,54%); Khối các cơ quan của Quốc hội có 113 người (57,36%); Khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ có 17 người (8,63%); Bộ Quốc phòng (gồm cả bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) có 15 người (7,61%); Bộ Công an, gồm cả bộ trưởng, có 3 người (1,52%); Kiểm toán Nhà nước có 1 người (0,51%); MTTQVN và các tổ chức thành viên có 31 người (15,74%).

Theo báo cáo, so với 198 người ứng cử được Ủy ban TVQH phân bổ tại Nghị quyết số 1140/2016/UBTVQH13 ngày 5.2.2016 thì thiếu 1 người thuộc khối ĐBQH chuyên trách ở T.Ư.

Về cơ cấu kết hợp, trong số 197 người được giới thiệu ứng cử có 29 nữ (14,72%); 17 người dân tộc thiểu số (8,63%); 2 người thuộc thành phần tôn giáo (1,02%); 7 người ngoài Đảng (3,55%), 101 người tái cử (51,27%) và 6 người dưới 40 tuổi (3,05%).

Hà Nội, TP.HCM đứng đầu về số người tự ứng cử

Về người ứng cử ĐBQH khóa 14 ở địa phương, báo cáo của Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, trong số 949 người ứng cử, có 390 nữ (41,10%), 229 người dân tộc thiểu số (24,13%), 228 người ngoài đảng (24,03%), 380 người dưới 40 tuổi (40,04%), 74 người là ĐBQH khóa 13 tái cử (7,8%).

Về người tự ứng cử, báo cáo cho biết có 154 người tự ứng cử ở 31 tỉnh thành, ở thành phố trực thuộc T.Ư, chiếm tỷ lệ 16,23%. Trong đó Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số lượng người tự ứng cử cao nhất, đều là 48 người, tương ứng tỷ lệ 55,17% (Hà Nội) và 53,33% (TP.HCM).

Báo cáo cũng cho biết, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ người ngoài Đảng ứng cử cao gồm có Bắc Ninh, Phú Thọ 76,92% (10/13 người), TP.HCM 48,89% (44/90 người); Hà Nội 47,13 % (41/87 người), Vĩnh Phúc 42,86 % (6/14 người).

Các tỉnh có tỷ lệ người ứng cử là người ngoài Đảng thấp, dao động từ 6 - 9% gồm: An Giang, Bến Tre, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bình Thuận, Đồng Tháp.

Cũng theo báo cáo, 13 tỉnh không có người ứng cử là người ngoài Đảng gồm Bắc Kạn, Bình Dương, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Hậu Giang, Kiên Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Tiền Giang, Trà Vinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.