Sáng 10.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 30, thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra dự Luật, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam.
Theo bà Nga, một số ý kiến không tán thành quy định của dự thảo Luật, vì cho rằng nếu tổ chức “Khu sản xuất”, “Điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ trốn trại.
Bà Nga cho rằng, việc tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ nhằm giáo dục cải tạo, mà còn mục đích cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ sở giam giữ hiện nay đang có nhiều khó khăn, việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tạo việc làm cho họ sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam là rất lớn, rất khó khăn cho công tác quản lý phạm nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, hiện 24/54 trại giam của Bộ Công an có 133 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam, với khoảng 7.000 phạm nhân tham gia lao động học nghề, nhưng hiện chỉ có 1 trường hợp bỏ trốn.
Từ đó, bà Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật quốc tế, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý (cải thiện bữa ăn, hưởng một phần thu nhập, mức đóng góp vào các quỹ theo quy định...); bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, luật cũng cần quy định mang tính nguyên tắc các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động, như: loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động của phạm nhân... và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Đảm bảo thực hiện theo luật Lao động
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, các công ước và hiệp định mà Việt Nam đã ký kết không cho phép lao động cưỡng bức đối với phạm nhân và không được đặt phạm nhân dưới sự quản lý của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân. Do đó, ông Định thống nhất chủ trương thành lập khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, nhưng đề nghị cần đánh giá thêm về ngân sách, chế độ tài chính, kế toán của các cơ sở này.
Bên cạnh đó, theo ông Định, trong việc phối hợp với doanh nghiệp cũng phải cân nhắc vì nếu đưa phạm nhân tới cơ sở của doanh nghiệp để lao động sẽ vi phạm công ước và hiệp định quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến thì đề nghị thành lập các khu sản xuất và điểm lao động dưới hình thức phân trại sản xuất, lao động và dạy nghề. Theo đó, phạm nhân sẽ do các phân trại quản lý, còn doanh nghiệp có thể đầu tư theo hợp đồng với trại giam, chứ không giao phạm nhân cho doanh nghiệp quản lý.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, phải quy định rõ mức thu nhập, lợi nhuận mà phạm nhân tham gia lao động ở bên ngoài được hưởng trước khi họ đồng ý tham gia lao động. "Tại kỳ họp trước, có đại biểu cho biết là có phạm nhân lao động một tháng chỉ 20.000-30.000 đồng, rất thấp", bà Hải cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, việc thành lập các khu sản xuất và điểm lao động ngoài trại giam là cần thiết, vì đây cũng là một quyền của phạm nhân. Bên cạnh đó, đây là chính sách nhân văn để cải tạo, giáo dục và dạy nghề cho phạm nhân để sau này có thể tái hòa nhập với cộng đồng.
Bà Ngân cũng tán thành đề xuất thành lập các phân trại sản xuất, lao động nhưng đặt câu hỏi: nếu thành lập phân trại thì nguồn lực ở đâu để xây dựng? Thẩm quyền của trại giam khi thành lập phân trại?
Một vấn đề khác, theo bà Ngân, là mặc dù đây là phạm nhân tham gia lao động nhưng phải đảm bảo “thực hiện đúng luật Lao động, không bóc lột sức lao động của phạm nhân”. “Không phải ngày nào cũng đi lao động vì họ còn phải có thời gian để học tập, thời gian nghỉ ngơi”, bà Ngân nói.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định phải có sự đồng ý của phạm nhân khi ra ngoài lao động, đồng thời quy định cụ thể về thành quả lao động mà phạm nhân tham gia lao động, sản xuất được hưởng.
Ngoài ra, bà Ngân cũng đề nghị cần quy định về nguyên tắc, định hướng đối với loại phạm nhân, thời gian chấp hành hình phạt và ý thức chấp hành hình phạt… để Chính phủ quy định chi tiết.
Bình luận (0)