|
Tiếp tục thảo luận cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) và thu chi ngân sách năm 2014 - 2015 trong phiên họp sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tập trung phân tích nhiều nội dung rất đáng chú ý.
Vay để ăn là chính
Báo cáo cho biết, dù bối cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn tăng thu ấn tượng với con số 52.000 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cơ cấu chi tiêu NSNN năm qua rất bất hợp lý. Chi đầu tư phát triển giảm quá nhanh so với giai đoạn trước, không đảm bảo mức đề ra. Về tỷ trọng, chi thường xuyên trên tổng cơ cấu chi tăng từ mức 60% giai đoạn 2011 - 2012 lên mức 67 - 70% năm 2014. Dù chi thường xuyên tăng phản ánh tình cảnh vay về để ăn là chính, nhưng năm 2014 một số chính sách chi an sinh xã hội vẫn không đảm bảo, con số chưa được thực hiện ước tính lên tới 15.000 tỉ đồng.
|
Đáng lo hơn, từ năm 2012 Chính phủ phải liên tục vay để đảo nợ, con số đi vay năm sau cao hơn năm trước. Song song với đó, cơ cấu chi tại một số bộ, ngành và địa phương bộc lộ sự dàn trải, thiếu tập trung, chi vượt dự toán diễn ra phổ biến. Một số địa phương vẫn xin xây trụ sở mới (299 dự án), dù Chính phủ đã quán triệt không được xây mới từ đầu năm.
Cũng theo báo cáo, năm 2014 nợ công đã tăng lên mức 60,3% GDP, dù vẫn nằm trong giới hạn an toàn nhưng tình hình thực sự báo động. Bởi nợ công không phản ánh hết các khoản “chìm” như nợ hoàn thuế, nợ bảo hiểm xã hội… Trong khi đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với tổng thu NSNN hằng năm đã vượt mức quy định an toàn 25% lên 25,9% trong 2014 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 31% trong 2015.
“Vay lu bù để chi thì chết thôi”
Cho ý kiến về tình hình thu chi ngân sách, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khen thành tích của Bộ Tài chính qua 9 tháng đã vượt thu 52.000 tỉ đồng so với dự toán nhưng ông cũng báo động: “Phải cân bằng thu - chi, thu lấy mà chi. Chứ bây giờ cứ phát hành trái phiếu lu bù, vay lu bù để chi thì chết thôi”.
Chủ tịch QH cho rằng hiện nay nhiều lãnh đạo bộ, ngành ngồi thụ động chờ xem có bao nhiêu tiền để chi. “Thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết. Chi đầu tư các đồng chí hãm lại, rồi cứ vay nợ ào ào. Như vậy làm sao phát triển được đất nước. Rồi trả nợ không được thì sụp đổ. Bài học này phải tính ngay trong năm 2016”, ông nhắc nhở. Quan trọng hơn, phải điều chỉnh lại cơ cấu chi, tập trung tăng chi cho phát triển, giảm chi thường xuyên. “Các đồng chí tính thế nào thì tính, phải đảm bảo 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư, 20% trả nợ trong tổng chi ngân sách”, Chủ tịch yêu cầu.
Chủ tịch QH cũng phê bình báo cáo của Chính phủ lời văn quá cứng nhắc khi đề xuất không tăng lương trong năm 2015, không bố trí được nguồn vốn giải quyết an sinh xã hội. Ông nói: “Cứ ăn hết lấy gì mà tiêu, ăn hết mà không có tiền chi lương thì tôi không hiểu thế nào. Mấy ông đang đi làm cán bộ công chức thì còn kêu gọi vận động tinh thần chưa tăng lương được, chứ các cụ về hưu mà không giải quyết cho họ thì không thể được”.
Trước đó, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn thực hiện tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống cho một số cán bộ, công chức thu nhập thấp trong bộ máy hành chính.
213.000 DN báo lỗ, hơn 51.000 DN phá sản Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tăng trưởng GDP năm 2014 có khả năng vượt 5,8% kế hoạch, cán đích 6%. Mục tiêu quan trọng nhất là kiềm chế lạm phát đã thành công, dự kiến chỉ xoay quanh 4 - 5%. Ấn tượng hơn nữa là 13 trong số 14 chỉ tiêu đề ra từ đầu năm có khả năng đạt và vượt. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy, tình hình KT-XH năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có xu hướng thay đổi tích cực. Đặc biệt, số DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn (9 tháng đầu năm nay có 52.525 DN thành lập mới, 51.244 DN giải thể, phá sản, 18.873 DN tạm dừng hoạt động). Một số DN quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Ngoài ra, có 213.000 DN kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập DN, chiếm 68,6% tổng số DN nộp tờ khai. Chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013. Ủy ban Kinh tế băn khoăn khi thấy tăng trưởng vẫn được báo cáo cao hơn các năm trước, chỉ tiêu tạo việc làm mới đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động, trong khi tổng mức đầu tư toàn xã hội thực tế lại giảm, nhiều DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động. |
Anh Vũ
Bình luận (0)