Đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Ngày 18.9, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới tham dự Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 |
gia hân |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả tích cực.
Sau khi giảm sâu nhất trong quý 3/2021 (âm 6,02%) kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP, tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý 4/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do hậu quả dịch Covid-19; kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng.
Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn; việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều thách thức.
Đó là rủi ro, thách thức do suy giảm kinh tế, bất ổn tài chính trên thế giới; một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn là điểm nghẽn, đến hết tháng 8 mới chỉ đạt 39,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giải ngân ODA chỉ mới đạt 15% so với kế hoạch…
Lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao và áp lực tăng trở lại khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Nợ xấu tiềm ẩn, xử lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại hệ thống tài chính - ngân hàng còn nhiều thách thức, khó khăn; thị trường tiền tệ, chứng khoán, thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, phát triển thiếu lành mạnh, bền vững.
Yếu tố "bất biến" để "ứng vạn biến"
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bài học 35 năm qua, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua cho thấy, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn |
gia hân |
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây chính là lý do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" làm chủ đề cho diễn đàn năm 2022 và điều chỉnh tên gọi là Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị diễn đàn phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; phân tích, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị diễn đàn phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, dự báo cho cả năm 2022, 2023.
Bên cạnh đó, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và phối hợp chính tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn diễn đàn thảo luận kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 diễn ra cả ngày 18.9, gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề.
Trong đó, chuyên đề 1 có chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyên đề 2 tập trung vào chủ đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
Bình luận (0)