Chủ tịch Quốc hội: Thời đại 4.0 sao không cho tố cáo qua thư điện tử?

08/11/2017 11:56 GMT+7

Thảo luận luật Tố cáo tại tổ sáng 7.11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu luật Phòng, chống tham nhũng cho dùng thư điện tử, sao luật Tố cáo lại không cho, đang thời đại 4.0 mà luật lại đặt ra ngoài?.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đơn gửi bằng giấy qua bưu điện cũng có thể gửi qua thư điện tử, miễn nói rõ tên tuổi, địa chỉ người tố cáo. Có nhiều người biết rõ số điện thoại của lãnh đạo tỉnh, nhắn tin “tôi đã gửi đơn tố cáo về tỉnh, huyện 3 lần nhưng chưa được giải quyết”, thì hoàn toàn có thể xử lý được.
“Tôi nhận được không ít tin nhắn như thế và đều chuyển cho cơ quan chức năng. Chiều qua, tôi nhận được tin nhắn có tên, địa chỉ nói “3 lần khiếu nại tố cáo về thu hồi đất của tôi không đúng nhưng chủ tịch tỉnh không giải quyết, đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo xử lý giải quyết, tôi forward tin nhắn về cho địa phương. Đâu có mất công gì, bấm một cái chuyển tiếp về đúng địa chỉ. Mình phải có trách nhiệm với dân!”, Chủ tịch Quốc hội dẫn nói, và cho biết, những tin nhắn này cũng sẽ chuyển tiếp cho Ban Dân nguyện để đôn đốc giúp cho Quốc hội về tình hình khiếu nại tố cáo. Nếu làm được như thế thì tình hình khiếu nại tố cáo đỡ căng thẳng hơn.
“Bây giờ có chữ ký điện tử, thương mại điện tử, cấp hộ chiếu điện tử... sao không có tố cáo qua thư điện tử?. Phải cho phép làm thì mới có Chính phủ điện tử, tránh bớt cảnh người dân cầm đơn đến cơ quan công quyền”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những tin xấu, vu khống rất nhiều, tràn lan trên mạng xã hội, có những đại biểu lo ngại nếu quy định trong luật sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan, nên luật cần quy định chặt chẽ. Nếu đơn tố cáo có tên, địa chỉ, nội dung gửi qua mail, không phải bâng quơ thì hoàn toàn chấp nhận được.
Để quy định chặt chẽ, thư tố cáo điện tử chỉ cho phép gửi đến một số cơ quan đúng thẩm quyền, không được phát tán ra hàng ngàn bản, gửi khắp nơi. Luật phải chặt chẽ như thế. 
Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ từ góc độ cá nhân nhận những tin vu vơ, tố cáo người này người kia mà không biết ai tố cáo, không có chứng cứ cụ thể thì sẽ xoá ngay. Với đơn thư nặc danh, không có địa chỉ người gửi, nhưng có nội dung chi tiết cụ thể kèm theo chứng cứ, bà vẫn chuyển cho các cơ quan liên quan xem xét có hay không, yêu cầu chấn chỉnh ngay. Ban Dân nguyện hiện giữ rất nhiều đơn thư kiểu này.
Về tố cáo cán bộ về hưu, theo Chủ tịch Quốc hội, tất cả cán bộ công chức khi làm nhiệm vụ luôn phải có trách nhiệm, không thể nghĩ còn 2 năm nữa là về hưu, xong là thôi.
Ngoài ra, trong thực tế có nhiều cán bộ bị tố cáo không đúng, trong giai đoạn đang đề nghị bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm, nếu kéo dài thời gian thì mất cơ hội của người ta. Nhất là trước đại hội, bổ nhiệm, đề bạt... theo tinh thần cải cách hành chính, cần rút ngắn thời gian, không kéo dài nhưng vẫn phải đủ thời gian xác minh.
Bảo vệ danh tính người tố cáo
Đại biểu Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư, cũng cho rằng hiện nay visa cũng cấp bằng điện tử, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, công dân điện tử... nếu không sử dụng công cụ này cho tất cả các hoạt động thì là không bình thường.
“Nhắn tin điện thoại có IP xác minh rất dễ, rất nhiều tin nhắn chỉ đạo làm luôn, bắt quả tang. Nhiều người tin nhắn địa chỉ tên tuổi nhưng vì ngại nên dùng sim rác. Người tiếp nhận thông tin cần biết phân loại. Email, fax, số điện thoại hoàn toàn có thể xác minh, người gửi chịu trách nhiệm với tố cáo, điều này cần ghi vào luật”, ông Chính nói.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng cho rằng, người tố cáo đa số muốn giúp chính quyền phát hiện các hành vi sai phạm, tội phạm, ít nghĩ đến lợi ích, với mục tiêu rất trong sáng. Ví dụ tố cáo mang lại lợi ích như tố cáo buôn lậu cần khuyến khích vật chất, trích phần trăm. Quan trọng nhất là bảo vệ danh tính, khen thưởng, khuyến khích cần chú ý điều này, có chế tài bảo vệ người tố cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.