Chủ tịch Quốc hội tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Indonesia

05/08/2023 16:14 GMT+7

Sáng 5.8, tiếp tục chuyến thăm chính thức Indonesia, tại thủ đô Jakarta, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Indonesia.

Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Ciputra Budiarsa Sastrawinata (sau đây gọi tắt là Tập đoàn Ciputra), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động đầu tư, kinh doanh với số vốn gần 3 tỉ USD của tập đoàn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và cung cấp dịch vụ bất động sản cùng với các hoạt động an sinh xã hội của tập đoàn. 

Khu đô thị Nam Thăng Long hiện là một trong những dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn và là khu đô thị đẹp, ấn tượng trong quần thể thắng cảnh Hồ Tây (Hà Nội).

Chủ tịch Quốc hội tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Indonesia - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội tiếp Chủ tịch Tập đoàn Ciputra Budiarsa Sastrawinata

TTXVN

Chủ tịch Quốc hội mong muốn Tập đoàn Ciputra mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác; kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư khác ở hai nước để hình thành những chuỗi giá trị nhằm phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, chiều 5.8, tại thủ đô Jakarta, Việt Nam - Indonesia sẽ tổ chức diễn đàn chính sách, pháp luật, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Chủ tịch Quốc hội mong Tập đoàn Ciputra đến chia sẻ kinh nghiệm và có những ý kiến đóng góp để Việt Nam hoàn thiện hơn nữa thể chế trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận kiến nghị của Tập đoàn Ciputra về đầu tư kinh doanh và cho biết sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn.

Chủ tịch Tập đoàn Ciputra Budiarsa Sastrawinata cảm ơn Việt Nam đã luôn hỗ trợ Tập đoàn Ciputra với các dự án đang hoạt động tại Việt Nam; khẳng định luôn tuân thủ luật pháp Việt Nam. Song song với hoạt động kinh doanh, Tập đoàn Ciputra còn có nhiều đóng góp về mặt xã hội như hỗ trợ các sự kiện thể thao văn hóa và tham gia vào việc phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời thực hiện các chương trình cuộc sống thân thiện với môi trường.

Traveloka sẽ đẩy mạnh hợp tác tại Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Indonesia - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Albert, đồng Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Traveloka

TTXVN

Tiếp lãnh đạo Tập đoàn Traveloka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của Traveloka tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, du lịch là ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Do đó, vừa qua, Quốc hội đã tập trung sửa đổi các luật liên quan, đặc biệt là những sửa đổi về chính sách thị thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của ngành du lịch.

Cùng đó, kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam trong những thập niên tới với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm khoảng 30% GDP. Việt Nam cũng đang xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia để thúc đẩy thực hiện mục tiêu này.

Ông Albert, đồng sáng lập Traveloka, cảm ơn Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội Việt Nam vừa qua đã sửa đổi chính sách thị thực tại các luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Theo ông, đây là chính sách thị thực rất tiến bộ, thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển.

Nhận định Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch và là một trong những quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng thương mại điện tử, lãnh đạo Traveloka khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác tại Việt Nam, nhất là hợp tác với các địa phương trong công cuộc chuyển đổi số lĩnh vực du lịch, quảng bá du lịch địa phương trên các nền tảng điện tử của Traveloka nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.

Đánh giá cao chiến lược phát triển của Traveloka tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong Traveloka đóng vai trò tiên phong hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn. 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Modena mong muốn tham gia sản xuất xe điện tại Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Indonesia - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Michael Jizhar, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Modena

TTXVN

Tiếp ông Michael Jizhar, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Modena, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Tập đoàn Modena đã có sự hiện diện và thành công bước đầu tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tập đoàn nên sớm xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị, đồ gia dụng ngay tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong nước cùng nhu cầu của các nước lân cận. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 và đang quan tâm đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Modena Michael Jizhar cho biết Việt Nam là thị trường quan trọng và tập đoàn đã mở rộng hoạt động từ năm 2018; đang nghiên cứu xây dựng một nhà máy sản xuất đồ điện, đồ gia dụng tại Việt Nam. 

Nhấn mạnh với thương hiệu thiết bị gia dụng và điện tử hàng đầu tại Indonesia có sản phẩm phân phối tới 92 quốc gia trên thế giới, tập đoàn mong muốn mở rộng hơn nữa sự hiện diện và hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng như trong lĩnh vực sản xuất xe điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.