Chủ tịch Quốc hội: Tuyệt đối không để xảy ra ‘tham nhũng chính sách’

Mai Hà
Mai Hà
24/06/2023 17:35 GMT+7

Chiều nay 24.6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV chính thức bế mạc.

Tham dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thể hiện qua số luật, nghị quyết được thông qua, hoạt động giám sát phát huy hiệu quả…

Chủ tịch Quốc hội: Tuyệt đối không để xảy ra ‘tham nhũng chính sách’ - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

GIA HÂN

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, nhiều vấn đề mới phát sinh nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chủ động, linh hoạt.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật.

Sai phạm Việt Á, chuyến bay giải cứu do 'dịch quá nhanh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm'

Về hoạt động giám sát, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Quốc hội cũng đã chỉ rõ và yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đẩy nhanh việc chuẩn bị, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật Bảo hiểm y tế; luật Dược; luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng, thanh quyết toán các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Quốc hội cũng đã dành 2 ngày rưỡi chất vấn các thành viên Chính phủ về 4 nhóm lĩnh vực: LĐ-TB-XH, dân tộc, KH-CN, GTVT. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5.

Đồng thời, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và các nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội đối với 2 nội dung rất quan trọng, gồm: việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

“Những đổi mới, cải tiến và kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác giám sát của Quốc hội thời gian qua càng khẳng định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Tuyệt đối không để xảy ra ‘tham nhũng chính sách’ - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

GIA HÂN

Về kinh tế - xã hội, tại kỳ họp này, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng như tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỉ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025…

Để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, Quốc hội quyết định giao Chính phủ chủ trì rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công - tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá…

Xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn…; báo cáo kết quả rà soát tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023).

Quốc hội thông qua nhiều chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Về nhân sự, Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự đối với chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN-MT nhiệm kỳ 2021 - 2026, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm một thẩm phán TAND tối cao.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.