Phấn đấu thành cực phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung
Sáng nay, 28.5, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Bộ KH-ĐT, tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh với chủ đề "Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng".
Dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ngoài ra, còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, đại diện đại sứ quán các nước, các tỉnh của Lào và Thái Lan, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết được sự giúp đỡ và phối hợp của Bộ KH - ĐT, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, tiếp tục mở rộng tầm nhìn và khát vọng, để Hà Tĩnh khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.
Theo ông Hải, Hà Tĩnh nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, là cửa ngõ giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây với nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển. Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc với 5 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh và là quê hương của các danh nhân văn hóa, lịch sử nổi tiếng. Địa phương cũng có nhiều di tích, khu du lịch, danh lam thắng cảnh.
Từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, nay Hà Tĩnh đã đứng trong nhóm các tỉnh khá của khu vực, được Thủ tướng Chính phủ chọn thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới. Đặc biệt, Hà Tĩnh hiện đang là một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà kinh tế, doanh nghiệp đã "hiến kế" các giải pháp để Hà Tĩnh hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh và chia sẻ về hoạt động đầu tư vào địa bàn Hà Tĩnh.
Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh cần tranh thủ thực hiện nhanh, hiệu quả quy hoạch tỉnh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, xác định tầm nhìn, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển, tạo cơ hội mới và giá trị mới cho sự phát triển của quốc gia, vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
"Tôi đặc biệt biểu dương Hà Tĩnh đã tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác quy hoạch và là tỉnh thứ hai trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá Hà Tĩnh cũng là một trong những địa phương có nhiều giải pháp, cách làm thiết thực, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hà Tĩnh cần tranh thủ thực hiện nhanh, hiệu quả quy hoạch. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các nghị quyết của T.Ư, của tỉnh và đẩy mạnh đột phá với 4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng để người dân thực sự được thụ hưởng từ thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển.
"Hà Tĩnh cần tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Đặc biệt, tổ chức công bố, triển lãm rộng rãi thông tin quy hoạch, thành lập trung tâm thông tin để quảng bá, giới thiệu quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện", ông Huệ nhấn mạnh.
Dịp này, Hà Tĩnh cũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đăng ký gần 10.000 tỉ đồng.
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh cũng đã ký kết 25 biên bản ghi nhớ hợp tác, cam kết đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 210.000 tỉ đồng trên các lĩnh vực: bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng, hạ tầng khu/cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, năng lượng, nước sạch, giáo dục, nông nghiệp…
Ngày 8.11.2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát mà quy hoạch đặt ra là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước.
Quy hoạch xác định các định hướng lớn tạo đột phá phát triển gồm:
Bốn ngành trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
Ba trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị xung quanh TP.Hà Tĩnh, trong đó TP.Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối là TT.Thạch Hà (H.Thạch Hà), TT.Cẩm Xuyên (H.Cẩm Xuyên) và TT.Lộc Hà (H.Lộc Hà). Trung tâm đô thị phía bắc là TX.Hồng Lĩnh gắn với thị trấn, đô thị mới thuộc H.Nghi Xuân và vùng phụ cận. Trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là TX.Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.
Ba hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển. Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ TX.Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía tây gắn với đường Hồ Chí Minh.
Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Bốn nền tảng chính: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.
Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bình luận (0)