Tại cuộc họp xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công thương do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì sáng nay, 27.3, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) Nguyễn Phú Cường than rằng, nếu các khó khăn tại
Nhà máy đạm Ninh Bình không được giải quyết thì nguy cơ dự án sẽ kéo sập cả tập đoàn, vì tổng số tiền tập đoàn rót vào đây đã lên tới 6.000 tỉ đồng.
Xin bán nhà máy để trả nợ
Báo cáo tại cuộc họp, ông Cường cho biết, trong số 4 dự án yếu kém của Vinachem thì dự án đạm Ninh Bình là “căng nhất”. Mặc dù 3 tháng đầu năm nhà máy vẫn hoạt động, có sản phẩm tốt, nhưng do trước đó nhà máy nằm im với thời gian quá dài, nên các chi phí phải gánh là quá lớn.
Đây là dự án có mức đầu tư 12.000 tỉ đồng, song vốn điều lệ của nhà máy chỉ 2.500 tỉ đồng. Các hợp đồng vay vốn đều phải đứng tên tập đoàn. Trong khi vốn điều lệ của Vinachem cũng chỉ 13.000 tỉ đồng.
“Hiện không ai cho nhà máy vay tiền nên khó càng khó thêm. Tập đoàn cũng không thể rót thêm tiền cho nhà máy sản xuất mà chỉ đủ đi trả nợ (khoản vay đầu tư). Hiện Vinachem đã rót vào đây khoảng 6.000 tỉ đồng. Nếu kéo dài không chỉ kéo sập đạm Ninh Bình, mà sập cả tập đoàn”, ông Cường nhấn mạnh và kiến nghị “xin bán nhà máy, được bao nhiêu thì lấy tiền trả nợ”.
Theo ông Cường, mới đây nhất, một chủ nợ đã có công văn nói rằng nếu không kịp trả sẽ kiện doanh nghiệp ra toà. Dù nhà máy vẫn đang chạy nhưng vốn lưu động đang ăn đong bằng cách phải đi vận động để xin ứng trước của các đại lý bán đạm. Ngoài ra, trước đó, nhà cung cấp than là Tập đoàn Than khoáng sản thường cho nợ tiền mua than nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, do nguồn than khan hiếm nên bên bán than không cho trả chậm.
Khó xử lý dứt điểm vào năm 2020
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công thương gửi đến cuộc họp cho hay, trong năm 2018, đạm Ninh Bình dù giảm lỗ 10 tỉ đồng so với năm 2017 song
dự án hiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề về tranh chấp hợp đồng EPC chưa xử lý được, do vậy chưa quyết toán được. Bên cạnh đó là khó khăn về dòng tiền nên chưa đáp ứng được chi phí để sửa chữa, bảo dưỡng và mua vật tư dự phòng dẫn đến hệ thống thiết bị còn nhiều sự cố phải dừng máy dài ngày để sửa chữa, giảm sản lượng sản xuất và cơ hội bán hàng…
Theo Bộ Công thương, tình trạng này kéo dài sẽ khó bảo đảm mục tiêu xử lý dứt điểm dự án, vận hành ổn định và có hiệu quả nhà máy, rồi cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2020 như đã đề ra. Do vậy, việc xử lý sắp tới được đề xuất theo hướng tập trung xử lý dứt điểm vấn đề tranh chấp hợp đồng EPC để có thể quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án.
Trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề vướng mắc, cần đưa ra bên thứ ba (cơ quan trọng tài) để phân xử, xác định trách nhiệm cụ thể của các bên.
Bộ cũng kiến nghị thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử nếu thấy có dấu hiệu vi phạm để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm đối với phần tài sản bị thất thoát, thiệt hại do vi phạm gây ra.
Trên cơ sở kết luận của cơ quan trọng tài về tranh chấp hợp đồng EPC và trách nhiệm các bên trong hợp đồng EPC, kết luận của cơ quan điều tra xét xử về vi phạm và trách nhiệm về thiệt hại do vi phạm gây ra của tổ chức, cá nhân có liên quan trong dự án, sẽ xác định lại giá trị tài sản dự án đạm Ninh Bình và tiến hành việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi dự án.
Bình luận (0)