Chủ tịch THACO Trần Bá Dương kiến nghị gì với Thủ tướng Phạm Minh Chính?

21/09/2024 19:27 GMT+7

Sáng nay (21.9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tư nhân lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia đầu tư các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội".

Tại Hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO đã báo cáo nhanh gọn về tình hình sản xuất, kế hoạch của năm nay và những năm tới, cũng như một số kiến nghị trong các lĩnh vực THACO đang đầu tư, bao gồm: ô tô, cơ khí - công nghiệp hỗ trợ, logistics, đầu tư - xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp.

Xu hướng xe xanh là tất yếu

Theo Chủ tịch THACO Trần Bá Dương, về lĩnh vực ô tô, hiện nay, giai đoạn này có nhiều thay đổi về công nghệ, đặc biệt là ô tô sử dụng năng lượng mới hướng đến xanh, sạch, phù hợp với COP 26 mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế. THACO đang thực hiện Trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng xe quốc tế tại Việt Nam và bán ra các khu vực, đặc biệt là ASEAN, hưởng lợi về FTA. Do thay đổi về công nghệ, hiện nay công ty chỉ đang tập trung thực hiện sản xuất công nghiệp hỗ trợ để giảm giá thành ô tô, bao gồm khung thân vỏ, nội ngoại thất, đặc biệt là các thiết bị điện tử và nền tảng số về thông minh, an toàn.

Sau năm 2022, dung lượng thị trường lên đến 500.000 xe, nhưng đến năm 2023 thị trường giảm còn 300.000 xe, và năm nay thị trường may ra chỉ bằng năm ngoái. Nhất là xe giá dưới 700 triệu đồng tỉ trọng bán lẻ chủ yếu bán. Như vậy, nếu tính về giá trị thị trường, giảm 50%. Đối diện với mức giảm như thế, kế hoạch chiến lược đầu tư về công nghiệp hỗ trợ và năng lượng mới sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Chủ tịch THACO Trần Bá Dương kiến nghị gì với Thủ tướng Phạm Minh Chính?- Ảnh 1.

Chủ tịch THACO Trần Bá Dương tại Hội nghị làm việc với Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra sáng 21.9

N.D

Trong năm 2024, doanh nghiệp này đang đang đầu tư vào 7 nhà máy, và sang năm sẽ tăng thêm 3 nhà máy nữa, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe du lịch lên 45% với tất cả linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam có lợi thế và không có sự thay đổi nhiều khi thay đổi về công nghệ.

Chủ tịch THACO Trần Bá Dương khẳng định: Xu hướng xe xanh là điều tất yếu. Nếu chuyển qua xe thuần điện đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian để đầu tư hạ tầng gia tăng, an toàn chất lượng và tiện dụng trong sử dụng. Hiện nay, hầu như các hãng ô tô đang hợp tác với THACO đều phát triển xe điện, nhưng bán vào Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu bán thí điểm là nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng. Một trong những loại xe được khuyến khích hiện nay là xe hybrid (xe lai) và xe lai hybrid có thêm pin. Hiện nay, xe hybrid có thêm pin có thể chạy từ 80-150km mà không cần nhiên liệu. Thứ hai, tiêu hao nhiên liệu giảm rất nhiều. Cùng với tiêu chuẩn khí thải Euro 5, sắp tới chúng ta nên coi trong chỉ tiêu về giảm phát carbon. Do đó, ông Trần Bá Dương kiến nghị chiến lược về công nghiệp ô tô từ 2014 đến nay, kể cả năm 2018 khi chúng ta hội nhập ASEAN với mức thuế bằng 0 cùng với rất nhiều FTA đã ký. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét vấn đề về phát thải ô tô.

Thứ hai là về năng lượng xanh thay đổi. Đề án chiến lược phát triển lĩnh vực ô tô đến 2030 và 2050 hướng đến sản xuất các động cơ hộp số nhưng chưa bám sát thay đổi về năng lượng xanh. Chủ tịch THACO mong muốn có những hội thảo, cả trong nước và quốc tế để nhìn rõ những thay đổi và xu hướng của thị trường, để thấy được tỷ trọng các loại xe từ xe xăng ít tiêu hao nhiên liệu đến xe lai, xe lai có pin, xe pin có thêm động cơ nhỏ để sạc điện, và xe thuần điện. Việc này sẽ được thực hiện từng bước phù hợp và tránh được rủi ro cho nền kinh tế. Nếu đi quá nhanh sẽ không theo kịp tình hình thị trường, cũng như các hạ tầng về điện, an toàn.

Thứ ba, về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, để đầu tư công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi sản lượng và công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ xuất hiện nhiều trong các ngành nghề. THACO may mắn đã triển khai sản xuất cơ khí từ sớm. Trong năm 2024, THACO đã xuất khẩu gần 140 triệu USD, thông qua bán cho các doanh nghiệp FDI, và các doanh nghiệp này xuất khẩu, mang về thêm 20 triệu USD nữa. "Thời gian vừa rồi, chúng tôi rất vất vả để phòng vệ thương mại, phải kiểm soát kỹ các hàm lượng, đặc biệt là nguyên vật liệu và linh kiện phụ trợ từ Trung Quốc. Sang năm, chúng tôi dự định sẽ tăng gấp đôi sản lượng về công nghiệp hỗ trợ. THACO cũng đang tiếp tục triển khai Khu Công nghiệp sản xuất cơ khí công nghiệp hỗ trợ tại miền Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa qua đây lắp ráp và chuyển về, trong đó chúng ta cũng có thể sản xuất từ 35 - 40% các chi tiết, linh kiện phụ tùng cho họ sử dụng" - ông Trần Bá Dương thông tin.

Trong năm 2024, THACO đã bán linh kiện phụ tùng ô tô cho các nhà sản xuất ô tô trong nước như: Hyundai, Ford, Toyota, Isuzu, mang về doanh thu là 13 triệu USD, dự kiến gia tăng doanh thu trong năm tiếp theo. Về kiến nghị cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hiện nay chúng ta chưa có chiến lược rõ ràng. Chúng ta nói nhiều về bán dẫn, công nghệ mới, nhưng để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần có thời gian. Trong khi đó, lĩnh vực cơ khí hiện nay đi sâu vào đời sống, đến lao động giản đơn, thậm chí không cần học hành nhiều, thực tế này mang tính lan tỏa và đi vào đời sống công nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi mong Chính phủ xem xét vấn đề này, đây cũng là cơ hội để phát triển công nghiệp nền tảng của Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Đặt mục tiêu 1 tỉ đô từ xuất khẩu nông nghiệp

Về lĩnh vực nông nghiệp, THACO theo đuổi chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tích hợp tuần hoàn trên nền tảng hữu cơ. THACO đã mua lại 84.000ha từ Tập đoàn từ HAGL, với nhiều khu đất xen cài. Chính phủ Việt Nam, Campuchia, và Lào cũng hỗ trợ THACO thực hiện dự án mới, và THACO đã mua thêm khoảng 6.000ha nữa. THACO đã đầu tư 31.000 tỉ đồng ở Campuchia, 19.000 tỉ đồng tại Lào và 18.000 tỉ đồng tại các tỉnh trong nước. Đầu tư trong nước khiêm tốn do quy hoạch và thủ tục kéo dài. Ở Lào và Campuchia, công ty đã triển khai mô hình thí điểm và đang trình dự án để Chính phủ các nước bạn phê duyệt. 

Năm nay, doanh thu xuất khẩu nông nghiệp của THACO đạt khoảng 53 triệu USD, và trong nước là 1.600 tỉ đồng. Sang năm, dự kiến sẽ đạt 300 triệu USD xuất khẩu, và khoảng 2.500 tỉ đồng từ doanh thu trong nước. Đến năm 2027, sau khi hoàn thành đầu tư, THACO đặt mục tiêu đạt 1 tỉ USD xuất khẩu về nông sản.

Về đề xuất cho lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Trần Bá Dương, hiện nay ở cao nguyên trước đây, chuyển rừng sang sản xuất cao su nhưng không hiệu quả. Giá cao su hiện nay, nếu đất không tốt, không đạt 2,3 tấn/ha thì lỗ. Do đó, nếu chuyển đổi rừng kết hợp chăn nuôi, vừa nông nghiệp, nhằm hình thành mô hình khu liên hợp trồng trọt và chăn nuôi tuần hoàn, sẽ là hướng phát triển mới cho nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay người dân chỉ trồng sầu riêng, năm ngoái dù làm riêng lẻ nhưng đã xuất khẩu được 500 triệu USD. 

Quy hoạch cảng biển miền Trung không nên tập trung vào một chỗ

Về lĩnh vực Logistics, THACO đang phát triển ở Chu Lai. May mắn là công ty có chân hàng, đã hình thành được 5 triệu tấn qua cảng Chu Lai, chủ yếu là container. Tuy nhiên, luồng tuyến hiện tại chỉ phục vụ được 30% ra bên ngoài, 70% là của công ty, vì luồng tuyến mới chỉ đạt được tàu 2 vạn tấn. Trước đây, Thủ tướng đã chỉ đạo, và công ty sẵn sàng đầu tư gần 4.000 tỉ đồng cho tuyến luồng mới. Tuy nhiên, hiện nay đang chờ Chính phủ phê duyệt quy hoạch, và cần có quy hoạch này thì dự án này mới thực hiện được.

Lượng hàng hóa từ Nam Lào về Việt Nam hiện nay rất lớn. Năm nay, riêng khoáng sản là 1 triệu tấn, các mặt hàng khác chiếm hơn 1 triệu tấn nữa. Song, đường 14D gần như hư hỏng nặng, 14E xây dựng rất chậm.

"Vừa rồi chúng tôi thực hiện 2 dự án BOT và hứa sẽ cố gắng thực hiện những dự án này. Để làm được, chúng tôi sẽ kết nối 3 vùng: Bắc Campuchia, cao nguyên về miền Trung, trong đó có Chu Lai, Quy Nhơn; Nam Lào, Kon Tum về Chu Lai; và các tỉnh lân cận từ Quảng Ngãi, Quảng Nam. Hiện nay, Quảng Ngãi có 1 công ty làm nội thất, xuất 140 container/ngày, nhưng phải chở ra Đà Nẵng, mất thêm 4,5 triệu đồng/container. Vì vậy, quy hoạch cảng biển miền Trung không nên tập trung vào một chỗ, mà hướng về phía tây, qua Lào, Campuchia, để cả dãy miền Trung, tất cả cảng biển vẫn có thể hoạt động tốt. Rất mong Bộ GTVT và Chính phủ xem xét lại những thay đổi lớn này để có thể điều chỉnh nâng cấp cảng. Chúng tôi làm cảng tư nhân thì không dại gì đầu tư lớn nếu không có hiệu quả" - ông Trần Bá Dương nói.

Ông Trần Bá Dương cho biết, trong dịch Covid-19, THACO đã mua lại hệ thống siêu thị của Emart. Hiện nay, công ty đã hình thành được 3 trung tâm lớn về đại siêu thị và trung tâm thương mại tại Việt Nam theo thế hệ mới. Cuối năm nay và sang năm, sẽ đầu tư thêm 3 trung tâm, và đến 2027 có 16 hệ thống, mong muốn cùng với Aeon trở thành hệ thống trung tâm thương mại và siêu thị dẫn dắt thị trường trong nước.

Ngoài ra, sang năm, khi THACO hoàn thành cơ bản nông nghiệp và có doanh thu nhất định, doanh nghiệp đang nghiên cứu và nhận đấu thầu đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng trong những năm tới. 

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương:

Về hoạt động trách nhiệm xã hội, THACO có kế hoạch thực hiện hàng năm. Vừa rồi, trong dịch Covid, THACO đã sản xuất được nhiều xe cứu thương.

Trong thiên tai vừa rồi tại miền núi, nó không đơn thuần mà như Thủ tướng nói, chúng ta phải biết cách sống với thiên tai trong thế hệ mới. Chúng tôi có kinh nghiệm trồng rừng và quy hoạch. Hai ba năm trước tại Quảng Nam, một cơn lũ quét đi nguyên ngôi làng, chúng tôi đã thiết kế lại nhà dạng nhẹ và xây dựng lại nguyên ngôi làng đó. Thời gian tới, cá nhân tôi và đội ngũ anh em sẽ ra phía bắc xem lại các tầng đất, trồng các loại cây rừng để giữ được tầng đất, đồng thời xây nhà với móng cứng, nhà ở trên thì nhẹ và tốt. Ở nông trường, chúng tôi có 60.000 công nhân, 1 nhà chỉ có 6 người, chúng tôi đang xây được 1.000 căn nhà và xây rất nhanh. Chúng tôi sẽ trình mẫu nhà này và chọn ra để thực hiện một vài công trình mang tính thiết thực và bền vững.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.