Ngày 28.5, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có chỉ đạo các địa phương đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi không được cấm người dân giết mổ, bán thịt lợn. Đương nhiên lợn trong vùng dịch, muốn được giết mổ, bán thịt thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật để tránh lây lan dịch tả lợn châu Phi.
Mới đây nhất, UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cũng đã có đề nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa xin được dừng giết mổ lợn, bán thịt lợn tại các chợ ở địa phương. Mục đích, nhằm xem như đó là một trong những biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đang lây lan rất nhanh trên địa bàn huyện này.
Nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa đã không đồng ý, lvì ý do nếu dừng giết mổ, bán thịt lợn trong vùng dịch (giết mổ theo quy định) không phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn.
|
Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, ngày 16.5, UBND xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã ra thông báo, treo băng zôn tại chợ Thiều (xã Dân Lý) với nội dung “cấm bán thịt lợn tại chợ Thiều”, bắt đầu từ ngày 16.5 cho đến khi hết dịch.
Việc cấm bán thịt lợn của UBND xã Dân Lý đã khiến hơn 20 tiểu thương chuyên kinh doanh thịt lợn tại chợ bức xúc vì không đúng quy định. Sau khi báo chí phản ánh, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Thanh Hóa, UBND huyện Triệu Sơn đã kiểm tra và đã chỉ đạo UBND xã Dân Lý xóa bỏ “lệnh cấm”, các tiểu thương có thể quay lại buôn bán thịt lợn (đảm bảo quy định) bình thường.
Ngoài xã Dân Lý, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Triệu Sơn cũng cấm bán thịt lợn tại chợ. Các địa phương cấm đều là những xã có dịch tả lợn châu Phi, và được xem việc cấm bán thịt lợn là một trong những biện pháp phòng, chống dịch lây lan. Nhưng biện pháp này là không đúng với chỉ đạo của Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn.
|
Do vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa không đồng ý cho bất cứ địa phương nào dừng bán thịt lợn và khẳng định, việc dừng giết mổ buôn bán thịt lợn sẽ gây khó khăn cho các hộ dân trong việc tiêu thụ lợn đã đến kỳ xuất chuồng. Riêng công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi thì phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để có biện pháp cụ thể đối với từng chuồng trại, từng hộ chăn nuôi… chứ không thể phòng, chống bằng cách cấm giết mổ, buôn bán thịt lợn.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y Thanh Hóa, tính từ ngày 23.2 (ngày xuất hiện ổ dịch đầu tiên) đến hết ngày 27.5, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện 1.752 ổ dịch trên địa bàn 199 xã của 26/27 huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng chức năng đã phải tiến hành tiêu hủy 16.217 con lợn với tổng trọng lượng hơn 1.000 tấn.
Bình luận (0)