Trung Quốc và Iran hôm thứ bảy 23.1 nhất trí mở rộng hợp tác song phương, ký 17 thỏa thuận, trong đó có việc làm sống lại “Con đường tơ lụa”, theo Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước một cuộc gặp mặt tại Tehran - Ảnh: AFP |
Đây là một trong những kết quả từ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Iran ngày 22.1. Trong buổi họp báo ngày 23.1, Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani cho biết Iran và Trung Quốc đồng thuận về việc mở rộng mối quan hệ hợp tác toàn diện, coi đây là sự đổi mới trong quan hệ song phương.
“Chúng tôi rất vui khi Chủ tịch Tập thăm Iran sau khi lệnh trừng phạt được gỡ bỏ... Iran và Trung Quốc nhất trí tăng cường kim ngạch thương mại song phương lên 600 tỉ USD trong 10 năm tới”, Reuters dẫn lời Tổng thống Rouhani nói trong buổi họp báo.
Hai nước đã ký 17 thỏa thuận vào ngày 23.1, trong đó có cam kết về việc hồi sinh “Con đường tơ lụa” xưa kia và hợp tác năng lượng hạt nhân vì hòa bình.
“Con đường tơ lụa” là khái niệm chỉ tuyến đường thương mại cổ điển từ thời nhà Hán (206 TCN -220). Tuyến đường này đi từ Trung Quốc sang Mông Cổ, Ấn Độ, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp... và được xem là chiếc cầu nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây, trước khi bị cắt đứt ở Ba Tư (Iran ngày nay).
Khái niệm “Con đường tơ lụa” kiểu mới cũng được Trung Quốc nhắc tới từ năm 2013, gồm hai phần cấu thành là Vành đai kinh tế trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển. Đây cũng được xem là hướng phát triển kinh tế mới của Trung Quốc nhằm cạnh tranh sức ảnh hưởng với Mỹ cũng như giải tỏa áp lực cho nền kinh tế của chính Trung Quốc.
Với Trung Quốc, việc mở rộng quan hệ với Iran lần này có thể xem là thành công nhanh chóng. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dầu và thương mại của hai nước đạt 52 tỉ USD, theo AFP. Quan trọng hơn, Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo đầu tiên đến thăm Iran từ sau khi nước này được tháo gỡ cấm vận, nhờ vào việc đạt thỏa thuận đàm phán hạt nhân với 6 cường quốc, trong đó có Trung Quốc.
Việc Iran thoát khỏi lệnh cấm vận kinh tế đang khiến nước này thu hút nhiều đối tác dầu mỏ, vũ khí và các lĩnh vực khác. Vừa qua, Iran cũng tuyên bố kế hoạch mua hơn 100 chiếc máy bay Airbus của châu Âu nhằm cải thiện tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không nước này.
Lần ghé thăm Iran này là địa điểm dừng chân thứ ba của Chủ tịch Trung Quốc trong hành trình thăm các nước Trung Đông, bắt đầu từ ngày 19.1. Trước đó ông đã đến Ả Rập Xê Út và Ai Cập.
Bình luận (0)