Song song đó, báo cáo cũng nêu chủ tịch UBND tại nhiều địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) chưa chấp hành nghiêm túc quy định của luật Tố tụng hành chính.
MINH HỌA: DAD |
Tình trạng kéo dài qua nhiều năm
Theo báo cáo, hạn chế lớn nhất và kéo dài trong nhiều năm qua chính là tình trạng chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa. Cá biệt, có địa phương, chủ tịch UBND hoặc người đại diện vắng mặt 100% các phiên đối thoại hoặc phiên tòa, như: TP.Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa. Nhiều trường hợp chủ tịch UBND hoặc người đại diện vắng mặt, nhưng không có đơn xin phép vắng mặt, dẫn đến tòa án phải hoãn phiên tòa đột xuất, gây lãng phí về thời gian, công sức, kinh phí cho cả nhà nước và đương sự.
Ngoài ra, báo cáo nêu trong 3 năm, TAND cấp cao tại Hà Nội, số trường hợp chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND không tham gia phiên tòa là 782/1.784 vụ, chiếm 43,8%; số liệu tương ứng của TAND cấp cao tại TP.HCM là 963/1.572 vụ, chiếm 61,3%; của TAND cấp cao tại Đà Nẵng là 97/598 vụ, chiếm 16,2%; UBND tỉnh Khánh Hòa vắng mặt 147/147 phiên đối thoại.
Hơn nữa, tại nhiều địa phương, mặc dù số lượng án không nhiều, nhưng chủ tịch UBND hoặc người đại diện UBND vẫn thường xuyên vắng mặt, như: Sóc Trăng vắng 78/88 phiên đối thoại; Lạng Sơn vắng 46/65 phiên tòa; Yên Bái vắng 47/59 phiên tòa; Đà Nẵng vắng 67/88 phiên tòa...
Như Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề cập, thực trạng chủ tịch, phó chủ tịch UBND vắng mặt tại các phiên họp, phiên tòa được cho là kéo dài, tăng cấp số nhân và không có dấu hiệu giảm. Cụ thể, theo số liệu giám sát cũ, năm 2015 tỷ lệ này là 10,71%; năm 2016 là 21,93% và năm 2017 là 31,69%. Như tại Hà Nội, trong 3 năm (2015 - 2017), TAND TP.Hà Nội xét xử 189 vụ án hành chính nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội tham gia phiên tòa. Dù đã được “điểm danh”, nhưng giai đoạn 2017 - 2021, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội vẫn tiếp tục vắng mặt 100% các phiên họp, phiên tòa.
Cơ chế ràng buộc và chế tài?
Theo các chuyên gia, việc chủ tịch UBND hoặc người đại diện UBND vắng mặt liên tục, thường xuyên trong các phiên họp, phiên tòa hành chính, phần nào đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ trong việc chấp hành quy định, kỷ cương luật pháp. Vì vậy, đến lúc cần phải có cơ chế giám sát, chế tài mạnh hơn, “đừng để thực trạng năm nào cũng nói xong rồi gấp sổ bỏ qua”.
Nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng khẳng định con số 100% vụ án hành chính không có chủ tịch hay phó chủ tịch UBND tham gia phiên tòa không có gì mới lạ, bởi chính điều luật cũng “tạo điều kiện” cho lãnh đạo được vắng mặt.
Theo ông Phạm Công Hùng, khoản 3, điều 60 luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”. Song, khi dẫn chiếu đến điểm b, khoản 2, điều 157 luật Tố tụng hành chính 2015 lại quy định: “Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 2 đối với người bị kiện… mà không có người đại diện tham gia phiên tòa, thì tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ”.
Theo ông Phạm Công Hùng, một khi quy định trên còn hiện hữu thì câu chuyện chủ tịch UBND “né” ra tòa án hành chính sẽ còn được tái diễn và không hề thay đổi. Vì vậy, muốn đảm bảo phiên họp, phiên tòa hành chính thể hiện đúng tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính, thì điều đầu tiên phải sửa đổi điểm mâu thuẫn của điều luật trên, và có chế tài ràng buộc đi kèm.
Kiểm sát viên Phan Ngọc Khanh (Trưởng phòng 10, Viện KSND TP.HCM) cho rằng quyền nhà nước trong việc áp giải đương sự đến tòa chỉ có trong luật Tố tụng hình sự; còn trong án dân sự, hành chính, việc tham gia phiên tòa hay không, đó là quyền của đương sự, người bị kiện - bao gồm chủ tịch UBND.
“Chủ tịch UBND hoặc người đại diện có mặt tại phiên tòa chính là thể hiện trách nhiệm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu vắng mặt, nhưng khi được TAND yêu cầu, nếu bên bị kiện cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ liên quan vụ án. Từ đó, trên cơ sở tài liệu, chứng cứ các bên cung cấp, tòa án vẫn xét xử và tuyên án thì việc vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng đến vụ án”, ông Phan Ngọc Khanh nêu.
Ông Phan Ngọc Khanh cho biết thêm: “Pháp lệnh 02/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành (có hiệu lực từ 1.9.2022) có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện yêu cầu của tòa án, viện kiểm sát về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà người đó đang quản lý, lưu giữ. Vì vậy, nếu bên bị kiện là chủ tịch UBND không đến tòa nhưng không cung cấp hoặc chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ, làm ảnh hưởng đến tiến độ xét xử vụ án, thì TAND có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bên bị kiện”.
Tỷ lệ hòa giải thành cao khi lãnh đạo tham gia đối thoại
Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, một số địa phương, UBND hoặc người đại diện đã tham gia 100% cả phiên đối thoại và phiên tòa (Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Kon Tum, Ninh Thuận, Sơn La, Vĩnh Long); một số địa phương, mặc dù số lượng án hành chính khá lớn nhưng UBND hoặc người đại diện vẫn bố trí tham gia phần lớn các phiên đối thoại, phiên tòa (Bắc Giang, Đồng Nai, Nghệ An, Kiên Giang, Quảng Nam).
Kết quả giám sát cũng ghi nhận việc chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND tham gia đối thoại giải quyết án hành chính đã có những kết quả tích cực. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ hòa giải thành trên tổng số vụ án đã tổ chức đối thoại là rất cao. Điều này cho thấy nếu UBND, chủ tịch UBND đánh giá đúng ý nghĩa của việc đối thoại, bố trí tham gia đầy đủ các phiên đối thoại, thì việc giải quyết các vụ án hành chính sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ án sẽ được hòa giải thành, không phải mở phiên tòa xét xử. Ví dụ, tại TP.HCM, trong tổng số 194 vụ án tổ chức đối thoại thì đối thoại thành tới 143 vụ, chiếm tỷ lệ 73,7%, đây là kết quả đáng ghi nhận.
Tòa án có quyết định buộc thi hành vẫn... không thi hành
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội còn chỉ ra tồn tại: không chỉ không tham gia đối thoại, tham dự phiên tòa, sau khi tòa tuyên án, chủ tịch UBND, UBND cũng không thi hành nghiêm túc.
Theo báo cáo, số lượng bản án hành chính mà chủ tịch UBND, UBND có trách nhiệm thi hành nhưng chưa thi hành xong còn lớn, tới 489 bản án. Đáng lưu ý, trong đó có tới 208 bản án đã có quyết định của tòa án buộc thi hành án nhưng chưa thi hành. Có 2 bản án hành chính được kiến nghị tại Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp từ năm 2018 kéo dài cho đến nay vẫn chưa được thi hành dứt điểm.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương số lượng án chưa được thi hành, còn tồn đọng rất lớn như Hà Nội, Đắk Lắk, Kiên Giang. Cụ thể, báo cáo cho hay Hà Nội tồn đọng 35/42 bản án, chiếm 83,3%; Kiên Giang 33/44 bản án, chiếm 75%; Đắk Lắk 35/62 bản án, chiếm 56,5%...
Ủy ban Tư pháp cũng cho biết dù trong 3 năm, có nhiều bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật chậm thi hành, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào UBND, chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm về việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 3 năm, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm người phải thi hành án trong 59 vụ việc thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh. “Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ chưa nêu được kết quả xem xét, xử lý”, báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu.
Bình luận (0)