Thông tin này được nêu ra tại hội thảo khoa học Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chiều nay 10.1.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, với TP.HCM, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã trở thành một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm. Bình quân mỗi năm giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%.
tin liên quan
Lao động chuyên môn cao cũng có thể bị mất việc
Với việc làm cho sinh viên, thành phố đã có 10 trường ĐH được công nhận đạt chuẩn quốc tế, 21 trường ĐH và CĐ đạt tiêu chuẩn giáo dục và hơn 700 sinh viên các nước châu Á đang học tập. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố đạt 72,3%.
Ngoài ra, thành phố đã thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH với 46 thành viên; xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh với 372.000 doanh nghiệp và đạt gần 400.000 sinh viên. Theo ông Phong, đây là cơ sở quan trọng phát huy nguồn lực giáo dục ĐH, đồng thời thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong việc đào tạo và giải quyết việc làm, qua đó góp phần hoàn chỉnh thị trường lao động và tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho các sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp từ các trường ĐH, CĐ tại đây.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên sau khi tốt nghiệp còn nhiều thách thức.
Ông Phong nói: “Thực tế cho thấy, một trong những tồn tại, hạn chế chủ yếu của việc thất nghiệp hiện nay là do chúng ta chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh; sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi; vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…”.
“Tôi xin nêu một thực tế để làm rõ hơn vấn đề này. Vừa qua có một bài báo quốc tế đăng tình trạng sinh viên nước ta tốt nghiệp ĐH nhưng phải đi làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Điều này cũng là chính đáng, song nó cho thấy một nỗi trăn trở lớn khi hoài bão và ước mơ đi vào ngõ cụt sau những năm học hành trên giảng đường”, ông Phong nói.
Từ đó, theo ông Phong, chúng ta thấy rằng, giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính quyền với xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò quan trọng.
Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: “Thành phố xác định giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính mình. Thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động, tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, để giảm thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp”.
Bình luận (0)