Chủ tịch Ủy ban châu Âu kêu gọi EU thành lập lực lượng quốc phòng riêng

16/09/2021 13:00 GMT+7

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 15.9 kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tìm cách tăng cường khả năng quân sự của khối để đối đầu với các mối đe dọa an ninh và khủng hoảng toàn cầu.

Lời kêu gọi này được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra khi đọc thông điệp liên minh tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) vào ngày 15.9, BBC đưa tin.

Bà Von der Leyen tin rằng việc thành lập liên minh quốc phòng EU sẽ là "một phần của giải pháp" để đối đầu với các mối đe dọa an ninh và khủng hoảng toàn cầu.

“Đã đến lúc châu Âu phải bước lên một tầm cao mới”, bà Von der Leyen phát biểu. Chủ tịch EC cũng chỉ ra rằng việc chính phủ Afghanistan tại Kabul sụp đổ nhanh chóng sau khi Mỹ và các đồng minh rút quân đã đặt ra vấn đề cho EU trong việc thành lập lực lượng riêng.

Thêm hình ảnh khói lửa sôi động từ tập trận Zapad-2021

Việc Kabul thất thủ cho thấy EU cần “ý chí chính trị” để can thiệp quân sự mà không cần đến NATO. Trước đây, EU thường dựa vào NATO để thực hiện các hành động quân sự.

Bà Von der Leyen cho biết Pháp sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc phòng EU vào năm tới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ủng hộ ý tưởng về việc thành lập lực lượng quân đội của riêng châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đầu tháng này cũng cho biết EU nên trở thành “một bên chiến lược cần được tính đến” trong các hoạt động quân sự.

Chủ tịch EC cũng kêu gọi EU đảm bảo sự ổn định trong khu vực lân cận của mình và các nơi khác bằng cách tham gia các chiến dịch không có sự hiện diện của NATO và Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, các thành viên EU cũng phải chia sẻ thông tin tình báo và trở thành khối đi đầu trong lĩnh vực an ninh mạng.

Bà Von der Leyen giải thích rằng điều đã kìm hãm EU cho đến hiện tại “không chỉ là sự thiếu hụt năng lực mà còn là việc thiếu ý chí chính trị”. Các đề xuất về việc lập lực lượng phản ứng nhanh của EU lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1990. Năm 2007, hai lực lượng chiến đấu gồm 1.500 binh sĩ từ các nước thành viên EU đã được thành lập.

Các nhóm chiến đấu này sẵn sàng hoạt động nhưng chưa bao giờ được sử dụng vì các tranh cãi liên quan đến kinh phí và sự miễn cưỡng trong việc triển khai lực lượng của các nước EU. Đa số thành viên EU cũng là thành viên của NATO và một số nước, đặc biệt là các quốc gia láng giềng của Nga, không muốn làm suy yếu quan hệ với Mỹ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong tháng này tuyên bố ủng hộ các kế hoạch xây dựng một chính sách phòng thủ chung của EU. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cảnh báo EU về việc thành lập một lực lượng quân sự mới. Theo bà Von der Leyen, EU và NATO sẽ đưa ra một tuyên bố chung vào cuối năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.