Xe

Chủ tịch xã làm chứng vụ ‘cưới hỏi tuổi 12’: ‘Do đứa em ghi biên bản văn vẻ quá’

25/12/2015 14:48 GMT+7

Liên quan đến vụ Chủ tịch UBND xã “làm chứng” cho gia đình bé gái 12 tuổi về việc cưới hỏi, chuyên gia cho rằng dễ dẫn đến tảo hôn, trong khi Chủ tịch xã bảo “do đứa em ghi biên bản văn vẻ quá”.

Liên quan đến vụ Chủ tịch UBND xã “làm chứng” cho gia đình bé gái 12 tuổi về việc cưới hỏi, chuyên gia cho rằng dễ dẫn đến tảo hôn, trong khi Chủ tịch xã bảo “do đứa em ghi biên bản văn vẻ quá”.


Chủ tịch UBND xã ‘làm chứng’ cho một gia đình cháu gái 12 tuổi đám cướiNội dung biên bản thỏa thuận về vụ việc gia đình bé E. (12 tuổi) yêu cầu gia đình K. (22 tuổi) hỏi cưới E.
Bé gái tên E. (sinh ngày 6.12.2003, ngụ xã Vĩnh Thắng, H.Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) và K. (22 tuổi, ngụ tại xã Tạ An Khương Nam, H.Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) quen nhau qua mạng xã hội. Sau đó E. và K. đã gặp nhau. Do yêu K., E. bỏ nhà theo bạn trai ở chung. Khi gia đình E. đi tìm thì phát hiện E. ở nhà K.
Trước sự việc này, gia đình E. đã đến yêu cầu UBND xã Tạ An Khương Nam chứng kiến cho hai gia đình thỏa thuận với nội dung: Trước ngày 12.12.2015, phía nhà trai phải đến gia đình E. để trao đổi, bàn bạc chuyện hỏi cưới E. cho K. Đồng thời, phía gia đình E. không yêu cầu xử lý về mặt pháp luật trong vụ việc nêu trên. Nhưng nếu sau ngày 12.12.2015, nếu phía nhà K. không sang nói chuyện cưới hỏi thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đáng chú ý, trong buổi nói chuyện có sự chứng kiến của ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Nam.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trung nói: “Chúng tôi hiểu rõ chuyện pháp luật không cho phép làm đám cưới khi cô dâu mới 12 tuổi. Hôm đó, chúng tôi chỉ chứng kiến việc gia đình cháu E. đến tìm gặp con mình. Họ đến xã nhờ lãnh đạo xã ký vào biên bản thỏa thuận nhà trai đến nhà gái nói chuyện cưới xin. Nhưng chuyện cưới không phải bây giờ, mà phải chờ đến khi cháu E. đủ 18 tuổi”.
Ông Trung tiếp lời: “Nội dung là thế, nhưng do đứa em ghi biên bản văn vẻ quá - ghi là đến bàn bạc cưới hỏi cháu E. cho K. thành vợ thành chồng - gây hiểu nhầm”.
Ông Trung cũng bác bỏ thông tin gia đình của K. đưa cho gia đình E. 60 triệu đồng để làm đám cưới. “Tôi chưa nghe thông tin này và hôm đến xã làm việc ghi biên bản cũng không có đề cập đến vấn đề tiền bạc. Gia đình cháu K. và E. không có yêu cầu gì cả, chỉ yêu cầu phía gia đình K. đến nhà nói chuyện cưới sau này”.
Sau đó, vào ngày 22.12, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND H.Đầm Dơi (Cà Mau) để tìm hiểu thêm thông tin. Ông Thuần nói “chưa thấy biên bản vụ việc cụ thể nên không nắm rõ”.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo quy định tại Điều 117 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã là: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật; giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật. Còn Chủ tịch UBND xã là người lãnh đạo và điều hành công việc của UBND; chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Như vậy, việc Chủ tịch UBND xã đứng ra làm chứng như sự việc nêu trên là không đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình.
LS Chánh cho rằng, đó là chưa nói đến việc hành vi làm chứng này có thể gây hiểu nhầm dẫn đến tảo hôn. Vì tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (nam đủ 20 tuổi; nữ đủ 18 tuổi). Thậm chí còn nguy hiểm hơn nếu hai đương sự nam - nữ trong vụ việc này có hành vi quan hệ tình dục, vốn là hành vi cấu thành tội "hiếp dâm trẻ em" theo khoản 4, Điều 112, Bộ luật Hình sự.
LS Chánh phân tích thêm, đáng lẽ với chức năng nhiệm vụ của mình, Chủ tịch UBND xã và những người lãnh đạo tại địa phương phải giải thích cho gia đình hiểu rằng hành vi nêu trên có thể dẫn đến việc vi phạm pháp luật, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi này. Bởi lẽ, theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình, việc kết hôn theo sự tự nguyện của hai bên, không có chuyện cam kết hay thỏa thuận. Quyền tự do kết hôn được pháp luật bảo hộ và việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở. nên không thể có chuyện cam kết hay thỏa thuận của người lớn để bắt trẻ (12 tuổi) phải thực hiện cam kết này ở tuổi kết hôn (18 tuổi) nếu họ không tự nguyện hoặc không có tình cảm, hạnh phúc với hôn nhân sắp đặt này.
“Nếu chính quyền địa phương vì hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ thì cần chấn chỉnh ngay lập tức, còn nếu biết mà vẫn vi phạm thì cần có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Vì điều này có thể dẫn đến hệ lụy xấu không chỉ về mặt pháp lý mà còn về khía cạnh tình cảm, hôn nhân, gia đình và cuộc sống tương lai”, LS Chánh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.