Sinh ra ở vùng đất cát, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Lê Đăng Tây (thôn Sen Đông, xã Sen Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) trăn trở tìm đủ hướng đi để lập nghiệp.
|
Không khoanh tay chịu đói
Ba mất sớm, gia đình không có thu nhập ổn định, anh em lại đông nên hết lớp 9 Tây phải nghỉ học. Cũng như nhiều thanh niên khác trong vùng, Tây khăn gói lặn lội vào nam tìm việc làm với hy vọng có tiền gửi về cho mẹ. Nhưng tình hình không khá hơn, Tây quyết định trở về tìm cách vươn lên trên chính quê hương mình. Sau nhiều đêm nằm suy tư, anh quyết định lên đồi khai hoang lập nghiệp. Tây tâm sự: “Lúc đó tôi chẳng dám nghĩ sau này sẽ ra sao, chỉ có quyết tâm. Tuổi trẻ không thể khoanh tay chịu đói anh à”.
Mấy tháng trời bám đất, bám rừng, Tây khai hoang được một số diện tích ruộng lúa ven khe suối. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, kết hợp xen canh giữa phát triển nông nghiệp với lâm nghiệp, Tây cày cục trồng rừng bạch đàn, tràm và keo lai. Anh nhớ lại: “Nhà nghèo quá không đủ ăn nên phải tập trung làm ruộng trước, khi ổn định mới tính việc phát triển rừng. Ban đầu thấy đồi hoang cũng ngán nhưng quyết tâm làm được 15 ha. Khi có dự án trồng rừng triển khai ở địa phương, tôi tiếp tục nhận thêm 10 ha trồng thông lấy nhựa”.
Sau gần 10 năm đổ biết bao mồ hôi công sức, miệt mài trồng rừng, vừa rồi Tây đã thu hoạch 8 ha lứa tràm đầu tiên. Tây nhẩm tính, cây giống tự ươm và chăm sóc, trừ chi phí thuê nhân công, phân bón cũng thu được gần 60 triệu đồng. Hiện anh đang trồng thêm 9.000 cây tràm, keo lai và một số cây gỗ khác như lim, táu, trầm gió. Khu rừng bạt ngàn đang đâm những chồi non hứa hẹn sự khởi sắc ở vùng quê nghèo khó.
Kinh tế trang trại
Từ thành công bước đầu, Tây nhận thấy cần mở rộng mô hình kinh tế trang trại. Anh tìm đến các trang trại trên địa bàn huyện, tỉnh tìm hiểu rồi mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng và kết hợp với số vốn có được đầu tư đàn lợn, gà lên đến hàng trăm con. Mỗi lứa Tây cho xuất chuồng 30 con lợn, cộng cả gà nữa thu lãi gần 20 triệu đồng. Tính bình quân, mỗi năm anh thu gần 90 triệu đồng. Vì thế cuộc sống gia đình Tây ngày càng ổn định, khấm khá.
Tây cũng từng là một phó bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt tình, có nhiều sáng kiến trong các hoạt động Đoàn - Hội ở địa phương. Bất cứ hoạt động thể dục thể thao hay tình nguyện nào do đoàn xã phát động, Tây đều tham gia đầy đủ. Anh thường xuyên tổ chức đoàn viên trong thôn đi làm rừng gây quỹ vào các dịp hè. Nhờ đó, một số đoàn viên thanh niên trong thôn, xã đã thay đổi suy nghĩ, dám nghĩ hơn và tìm hướng phát triển trang trại như Tây.
Quang Nam - Đăng Đức
Bình luận (0)