Chủ trương, chính sách và hệ lụy

11/03/2014 17:08 GMT+7

(TNO) Một chính sách mới, một chủ trương mới cũng như một bộ Luật mới, khi chuẩn bị ban hành rất cần có cái nhìn thấu đáo, kỹ càng thông qua sự góp ý, bàn thảo và cả sự phản biện của toàn xã hội. Chỉ có như vậy nó mới có sức sống và trường tồn theo năm tháng. Còn không, chắc chắn không sớm thì muộn, nó sẽ sớm bị đào thải. Đó chính là quy luật.

Hành Thiện

(TNO) Một chính sách mới, một chủ trương mới cũng như một bộ Luật mới, khi chuẩn bị ban hành rất cần có cái nhìn thấu đáo, kỹ càng thông qua sự góp ý, bàn thảo và cả sự phản biện của toàn xã hội. Chỉ có như vậy nó mới có sức sống và trường tồn theo năm tháng. Còn không, chắc chắn không sớm thì muộn, nó sẽ sớm bị đào thải. Đó chính là quy luật.

>> Nhiều thay đổi về chính sách ưu tiên tuyển sinh
>> Tham vấn chính sách
>> Xem lại chính sách đào tạo đại học
>> Sửa đổi chính sách ưu tiên là tất yếu

Đã có một thời, do chúng ta sợ người nước ngoài sở hữu đất đai và nhà ở trên lãnh thổ Việt Nam vì e rằng tới một lúc nào đó, chúng ta "sẽ hết đất và coi như bị mất nước"(!) nên Luật Đất đai khi đó đã không cho người nước ngoài được mua bán đất đai, nhà ở tại Việt Nam. Vậy nên mới có chuyện Việt kiều phải nhờ người thân trong nước đứng tên mua hộ bất động sản. Thế rồi tới lúc nhiều gia đình, nhiều thân hữu "cơm không lành, canh không ngọt" khiến vợ xa chồng, anh xa em, bạn bè xa nhau... mà sinh ra biết bao chuyện khóc dở, mếu dở vì tranh chấp tài sản do chẳng mấy ai học được chữ "ngờ ". Nhiều người tay trắng cũng bắt đầu từ những câu chuyện hợp hôn, hợp tác và nhờ đứng tên hộ kiểu đó. Cơ quan pháp luật cũng đã vấp phải biết bao vụ kiện cáo phức tạp từ đây.

Hôm nay, 11.3, lại rộ trở lại vụ kiện ra Toà đòi chia tài sản giữa siêu mẫu Ngọc Thuý với người chồng, một doanh nhân thành đạt là Việt kiều ở Mỹ, ông Nguyễn Văn An. Nếu trước đây, bà mẹ của Ngọc Thuý luôn đứng về phía con gái, khẳng định tiền mua đất đai, biệt thự là của con gái đưa cho bà thì Toà cũng đã khó lần ra sự thật. Nay bất ngờ ở "phút 89", bà Trương Thị Bê, mẹ đẻ Ngọc Thuý có lẽ đã không đành lòng nói trái lòng mình nữa chăng, nên bà cung cấp sự thật khi khẳng định, có 9 căn biệt thự trị có giá cả trăm tỉ đồng là của ông An, trong đó có 4 căn là do đã bị bán theo ý của Ngọc Thúy.

Trước đây, bà Bê luôn đứng về phía Ngọc Thúy, còn bây giờ cả gia đình bà và cả em trai ruột cũng lần lượt không còn là đồng minh của người thân mình nữa. Thật là hy hữu và cũng thật khó cho Toà phán xử.

Tôi không bình luận vì cũng chưa rõ chứng lý nào là sai, là đúng trong vụ việc trên, nhưng kỳ án này có thể coi như một điển hình cho điều mà người nước ngoài phải trả giá vì họ đã lách luật.

Do họ có tiền, khi đó lại muốn sớm trở về nước đầu tư để đón cơ hội, để sinh sống mà không được đứng tên là chủ sở hữu một cách yên ả, nên đã có chút mạo hiểm. Và thật cay đắng khi đã bị vướng vào vòng luật pháp mà trong việc này, có lẽ đó là một sai lầm ấu trĩ xét ở góc độ chính sách và luật pháp của ta không mấy nhìn xa, trông rộng nếu không nói là rất nhanh lạc hậu!

Rồi có lúc, vì sợ nội thành Hà Nội quá tải về lưu lượng xe cơ giới tham gia giao thông, Chính quyền Thủ Đô đã ra quyết định tạm dừng đăng ký xe máy ở các quận nội thành. Vậy là có những người dân ngoại thành rủ nhau bán suất chứng minh nhân dân, mua xe máy hộ cho người thành phố kiếm chút tiền. Song hệ luỵ với những người kiếm bạc triệu hồi nào là bị cơ quan pháp luật gõ cửa vì chiếc xe anh ta đứng tên đã gây tai nạn còn chủ thật sự thì cũng đang mê man trong viện, khiến cơ quan điều tra bỏ biết bao công sức đi xác minh. Cái khó cho họ là nhân vật gây tai nạn cũng đã mấy lần sang tên đổi chủ chiếc xe máy nọ. Vậy là vô cùng bế tắc và sẽ mất quá nhiều thời gian cho công tác điều tra của cơ quan công an.

Được biết, sau nhiều lần cân nhắc, bàn thảo, Nhà nước ta đã quyết định lùi lại thời gian phạt xe không chính chủ tới năm 2017. Dù điều này đã đúng hay chưa, tôi cũng không đề cập ở bài này. Nhưng ở góc độ quản lý trật tự xã hội, với ngành công an, nó sẽ vẫn còn là mớ bòng bong mà họ phải gánh, không ai khác!

Từ những câu chuyện có thật nêu trên, chúng ta có thể nghiệm ra một điều, một khi chính sách và luật pháp thiếu đi thực tiễn của cuộc sống, chỉ là sự áp đặt thì nó sẽ phải gánh lấy muôn vàn hệ luỵ. Mà suy cho cùng, khâu cuối để xử lý, để sửa sai cho những điều bất cập này vẫn lại chính là các cơ quan pháp luật. Đành rằng có những điều, xuất phát điểm của nó do bắt đầu từ lối tư duy ấu trĩ thì đã đành, song cũng có khi, nó chỉ từ những giải pháp ứng phó tối kiến mà ra. Giá như tất cả được cân nhắc tỉnh táo hơn thì đâu tới mức để cho các cơ quan pháp luật hiện nay trở thành nơi chuyên giải quyết hậu quả!

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang sinh sống tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.