Chu Vĩnh Khang có thể đối mặt án tử

08/12/2014 09:00 GMT+7

“Có một sự đồng thuận trong giới lãnh đạo Trung Quốc suốt mấy thập niên qua là mức phạt tối đa cho quan chức cấp cao bị buộc tội tham nhũng là tử hình nhưng được hoãn thi hành án”, giới phân tích dự đoán ông Chu Vĩnh Khang sẽ bị xét xử kín và có thể đối diện bản án nặng hơn Bạc Hy Lai.

 Ông Chu Vĩnh Khang có thể lĩnh án tử hình
Ông Chu Vĩnh Khang sắp phải đối mặt với tòa án với vô số tội danh - Ảnh: El Pais

Ngày 7.12, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời giới phân tích dự đoán cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, có thể chịu mức án tử hình hoặc tử hình treo (tức được hoãn thi hành án và sau đó có thể giảm còn chung thân).

Giáo sư chính trị học Trương Minh tại Đại học nhân dân Trung Quốc cho hay: “Có một sự đồng thuận trong giới lãnh đạo suốt mấy thập niên qua là mức phạt tối đa cho quan chức cấp cao bị buộc tội tham nhũng là tử hình nhưng được hoãn thi hành án”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Chương Nãi Khí ở Bắc Kinh thì trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ ra rất cứng rắn bằng chiến dịch trong sạch hóa đội ngũ lãnh đạo, đồng thời đã củng cố vững chắc vị thế lãnh đạo của mình thì khả năng ông Chu Vĩnh Khang bị xử tử hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngoài ra, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng ông Chu sẽ bị xử nặng hơn “đệ tử” thân tín của ông ta là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ông Bạc bị tuyên án tù chung thân hồi tháng 9.2012 bởi tội nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền.

Các nhận định trên được đưa ra một ngày sau khi Tân Hoa xã đưa tin ông Chu bị khai trừ đảng do mắc nhiều tội danh nghiêm trọng, trong đó có tiết lộ bí mật quốc gia, và Viện KSND tối cao Trung Quốc quyết định bắt ông này để điều tra hình sự.

Ông Chu Vĩnh Khang có thể đối mặt án tử - Ảnh: Reuters 

Đến ngày 7.12, nhiều quan chức, học giả, doanh nhân Trung Quốc lên tiếng ủng hộ quyết định nói trên, ca ngợi đây là bằng chứng cho nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” và “không có vùng cấm trong chống tham nhũng”. Ủy viên Ban Kiểm tra kỷ luật thành phố Truy Bác, ông Bạch Niệm Bác khẳng định với Tân Hoa xã: “Đây là chiến thắng lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng”.

Bí mật quốc gia là bí mật gì ?

Theo SCMP, dư luận Trung Quốc và giới chuyên gia còn tập trung chú ý vào cáo buộc rò rỉ bí mật quốc gia nhằm vào ông Chu, người từng giữ vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp T.Ư, chịu trách nhiệm giám sát Bộ Công an và các cơ quan tình báo.

“Chưa từng có ai ở cấp đó bị cáo buộc rò rỉ bí mật nhà nước. Điều này càng chứng tỏ sự mạnh mẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình và chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của người dân”, Giáo sư Minxin Pei tại Đại học Claremont McKenna (Mỹ) nhận định với tờ The Wall Street Journal.

Nhà phân tích Trần Đạo Ngân tại Đại học Chính trị và luật Thượng Hải thì cho rằng ông Chu có thể đã “dùng vị thế của mình để rò rỉ thông tin về sắp xếp nhân sự cấp cao cho cấp dưới, ứng viên hoặc thậm chí truyền thông nước ngoài nhằm kiếm lợi,  gây ảnh hưởng tới các đợt thay đổi ở cấp lãnh đạo”.

Mặt khác, theo nhà bình luận Chương Nãi Khí, cáo buộc nói trên có thể nhằm tạo điều kiện pháp lý để xử kín ông Chu. Giới quan sát chỉ ra rằng phiên xử công khai nhằm vào Bạc Hy Lai hồi năm ngoái đã gây nhiều vấn đề khi ông Bạc không nhận tội, tranh cãi quyết liệt với tòa và thậm chí xúc phạm các nhân chứng. Ông Chu Vĩnh Khang được cho là còn “dữ tợn” hơn Bạc Hy Lai, từng giữ vị trí cao hơn và biết nhiều bí mật hơn nên khả năng xử kín là rất cao.   

Văn Khoa

>> Trung Quốc công bố tội trạng Chu Vĩnh Khang
>> Trung Quốc công bố tin bắt Chu Vĩnh Khang lúc nửa đêm
>> Người bắt Chu Vĩnh Khang được thăng chức
>> Đế chế kinh doanh của Chu Vĩnh Khang 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.