Chập tối, gần chục nhân công ở vườn Sáu Hải của ông Huỳnh Văn Hải (50 tuổi) tranh thủ nghỉ ngơi, lót dạ ổ bánh mì trước khi chong đèn tăng ca lặt lá mai tết.
Những ngày này, vườn mai của ông Hải đang trong giai đoạn lặt lá để cây kịp ra hoa phục vụ khách ở miền Nam chơi tết. Trước đó, những đơn hàng của khách ở miền Bắc đã được vườn lặt lá giao đi sớm.
"Năm nay kinh tế khó khăn, vườn nhà tôi thuê ít người. Năm ngoái thuê đến người 40 người thì giờ chỉ có hơn 10 người, chủ yếu người nhà", ông Hải cho biết.
Gần chục nhân công tranh thủ lặt lá mai đêm rằm tháng chạp.
Ít nhân công đồng nghĩa với thời gian lặt lá kéo dài thêm. Thay vì 40 người tập trung lặt chỉ trong 4 ngày là xong vườn với hơn 500 cây thì nay đã bước sang ngày thứ 10. Dự kiến vườn mai của ông Hải còn lặt thêm 2 ngày nữa. Vì thế, khi có những đơn hàng khách cần giao gấp, mọi người tranh thủ lặt ban đêm, có hôm lặt đến 23 giờ mới xong.
Ông chủ vườn cho biết, ban ngày, người lặt lá mai đứng lâu dưới thời tiết nắng nóng đã thấm mệt. Đến đêm vẫn tiếp tục làm thì rất vất vả, tuy nhiên, năm nay khó khăn, muốn tiết kiệm chi phí nên ông buộc lòng không thuê nhiều nhân công.
Bà Huỳnh Thị Muôn (73 tuổi, ở TP.Thủ Đức) có thâm niên lặt lá mai tết hơn 40 năm nay chia sẻ, mỗi ngày bà lặt từ 7 giờ đến khoảng 17 giờ, nghỉ trưa khoảng 2 tiếng. Năm ngoái, bà Muôn được trả công ngày 300 ngàn. Năm nay, với vài buổi lặt đêm, bà hi vọng được chủ vườn bồi dưỡng thêm tiền công, cao hơn so với làm ban ngày để có thêm tiền tiêu tết, lì xì cho con cháu.
"Đợt vừa rồi có khách đặt hàng gấp nên tôi cũng phải lặt ban đêm. Lặt lá đêm thì đỡ nắng nóng nhưng đổi lại muỗi chích nhiều lắm. Tôi già rồi nên chỉ làm đến hơn 20 giờ là nghỉ", bà nói.
Tại vườn, có những cây mai cao đến 4 mét. Nhân công phải bắc thang, ghế cao để lặt lá. Người trẻ, khỏe lặt trên cao. Người già, phụ nữ lặt lá ở dưới thấp. Với 2 -3 người cùng lặt một cây mai to, cao như thế thì mất cả tiếng mới xong.
Ông Hải cho biết, thị trường đến thời điểm hiện tại khá đìu hiu. Khách đến vườn cũng chỉ thuê những cây mai nhỏ. Càng về tết, mọi người trong gia đình 3 đời trồng mai càng có nhiều lo âu. "Bỏ công sức cả năm chăm mai với chi phí không hề nhỏ, tôi chỉ mong vụ tết sôi động để có tiền chi trả, lì xì cho nhân công và thanh toán tiền phân thuốc…", ông Hải nói.
Bình luận (0)