TNO

Chú ý để khử độc măng tươi

08/05/2015 09:43 GMT+7

Trong măng có một chất độc gọi là glucozit, có khả năng biến đổi thành axit cyanhydric gây ngộ độc.

Măng tươi có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như: canh măng, bún măng, măng xào, măng hầm giò heo…

Tuy nhiên, trong măng có một chất độc gọi là glucozit, có khả năng biến đổi thành axit cyanhydric. Khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, glucozit bị thủy phân và giải phóng axit cyanhydric. Axit này chính là thủ phạm gây ra ngộ độc, nôn mửa, vì vậy muốn đảm bảo an toàn khi sử dụng măng, cần phải biết cách khử chất độc này.

Khử độc măng tươi
Ngâm và luộc kỹ là những cách khử độc măng tươi đơn giản - Ảnh: Shutterstock

- Axit cyanhydric hòa tan được trong nước và dễ bị bay hơi khi đun nóng, nên từ xưa, khi luộc măng tươi, bao giờ người ta cũng luộc từ 2 đến 3 lần.

Ngoài ra, còn có một số cách khác có thể giúp khử độc măng, là: 

- Bóc hết vỏ măng ra, cắt măng thành từng lát rồi đem ngâm nước qua đêm, sau đó rửa sạch trước khi mang chế biến.

- Để loại bỏ bớt vị đắng của măng, có thể đem măng ngâm trong nước vôi, sau đó mang đi luộc 2- 3 lần nước. Trong khi luộc nên mở nắp nồi cho chất độc bay hơi.

- Măng sau khi bóc hết vỏ, cắt thành từng miếng, lúc cho vào nồi luộc có thể bỏ thêm vào nắm rau bồ ngót. Khi măng chín, đổ nước luộc đi, cho nước lạnh vào và vớt bỏ rau ngót, sau đó xả lại bằng nước lạnh một lần rồi đem chế biến.

 - Lấy một vài trái ớt (đã gỡ hết hạt) cho vào nồi luộc cùng với măng và nước vo gạo. Khi thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra, lột vỏ, xả lại vài lần bằng nước sạch. Măng sẽ không còn vị đắng.

- Muối măng chua cũng là một biện pháp làm giảm tính độc của măng.

Cẩm Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.