(TNO) Việt Nam chưa giấy phép nhập khẩu cây tần bì từ Trung Quốc, ông Hoàng Trung, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật khẳng định.
Trao đổi với Thanh Niên Online trưa 17.3, ông Hoàng Trung cho biết, qua kiểm tra và rà soát ở gần 100 cửa khẩu, lối mở, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), khẳng định Việt Nam chưa cấp bất cứ giấy phép nào cho phép nhập khẩu loại cây tần bì từ Trung Quốc.
Theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, Việt Nam “đem về từ Trung Quốc” khoảng 10.000 cây có tên khoa học Fraxinus chinensic, loại trưởng thành từ 1 - 2 năm, còn gọi là cây tần bì. Số cây mang về được trồng thay thế tại 190 tuyến đường tại Hà Nội.
Cũng theo thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, cây tần bì hấp dẫn loại sâu bọ có tên Emerald, có khả năng đục khoét vỏ, rễ và thân cây làm cho cây chết nhanh, từng tàn phá và là “kẻ thù” của nền nông nghiệp Trung Quốc.
Sau khi tiếp cận thông tin từ mạng xã hội, ông Hoàng Trung, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật đã bác bỏ và cho rằng đây là những thông tin không có căn cứ từ thực tế.
Ông Hoàng Trung cho biết, trong thông tư về kiểm dịch các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật trước đây và Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật hiện nay, Việt Nam không cho phép nhập bất cứ loại thực vật nước ngoài, có mang theo đất từ quốc gia khác vào lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, nếu là cây tần bì trưởng thành, chắc chắn phải có bầu đất thì cây mới sống được.
“Cục Bảo vệ thực vật cũng loại trừ loại cây này được nhập dưới dạng hạt giống, cây ươm non giũ sạch đất. Nhưng qua kiểm tra và rà soát thì chúng tôi khẳng định, chưa hề cấp bất cứ giấy phép nào để nhập khẩu cây tần bì trưởng thành hoặc dưới dạng cây ươm hoặc hạt giống”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, khả năng nhập lậu cây này vào Việt Nam cũng được loại trừ. Vì thông thường, nhập lậu vì mục đích lợi nhuận. Trong lĩnh vực nhập khẩu giống cây, mức thuế nhập khẩu gần như bằng không, sẽ không ai làm nếu vì mục đích kiếm lời.
Còn nếu cây tần bì được đưa vào Việt Nam với mục đích khác với số lượng lớn như thông tin trên mạng xã hội cũng khó có khả năng xảy ra, bởi ở các cửa khẩu hay lối mòn luôn có lực lượng chức năng kiểm soát, giám sát.
Liên quan đến loài cây tần bì, nhiều quốc gia trên thế giới đã có lệnh cấm nhập khẩu loài thực vật này. Khi mắc bệnh khô ngược, loại cây này phát sinh bệnh “nấm sát thủ” đặc biệt nguy hại, tổn thất đến hệ sinh thái trong nhiều năm khi được các loài côn trùng, chim... trú ngụ trên cây phát tán ra môi trường.
Bình luận (0)