Chưa chặn được lãng phí

19/03/2013 03:15 GMT+7

Hôm qua 18.3, thừa ủy quyền Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã trình bày dự luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo tờ trình của Chính phủ, sau 7 năm luật này có hiệu lực thi hành, bên cạnh nhiều kết quả “đáng khích lệ” thì tình trạng lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực và chưa thể ngăn chặn, từ quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư xây dựng bằng ngân sách cho đến lĩnh vực đất đai, nguồn vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng lĩnh vực quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, từ 2006 - 2010, Chính phủ cho hay các đơn vị ngành tài chính đã thực hiện gần 33.000 cuộc thanh kiểm tra và đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính gần 18,5 nghìn tỉ đồng; giai đoạn từ 2006 đến tháng 7.2012, hệ thống kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện gần 220.000 khoản chi của gần 96,5 nghìn lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, đã từ chối chưa thanh toán hơn 2.000 tỉ đồng.

Trong báo cáo thẩm tra nội dung sửa đổi luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh yêu cầu việc sửa luật lần này “cần tập trung vào các quy định về cơ chế phát hiện, chế độ trách nhiệm, biện pháp chế tài nghiêm minh để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lãng phí các nguồn lực”, đồng thời cũng phải “đáp ứng yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu, bảo đảm quyền tự định đoạt vốn, tài sản thuộc sở hữu của mỗi tổ chức, cá nhân theo đúng Hiến pháp và pháp luật”. Thế nhưng, theo Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra Phùng Quốc Hiển, nhiều quy định tại dự luật chưa đáp ứng được yêu cầu trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng: “Nguyên nhân dẫn tới lãng phí như thời gian qua là vì người được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng các khoản tiền ngân sách này nghĩ rằng đây là của chùa, là tài sản của người khác. Điều 8 có nêu nguyên tắc về xử lý trách nhiệm người đứng đầu nhưng mới ở mức độ vừa phải. Cần bổ sung quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới tạo chuyển biến”.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị thêm: “Trách nhiệm người đứng đầu cần quy định cụ thể hơn, ví dụ cơ chế phát hiện lãng phí thế nào, vi phạm mức nào thì sẽ xử lý người đứng đầu ra sao”.

Phát biểu sau cùng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thể hiện sự băn khoăn về tính khả thi của các nội dung sửa đổi luật, vì theo Chủ tịch: “Ra luật mà không biết hành vi gì là lãng phí, hành vi thế nào là tiết kiệm, như thế thì biết xử ai? Đọc từ trên xuống dưới chưa thấy khả thi gì cả. Phải xem cái gì là lãng phí hiện nay để cố gắng tìm cách giải quyết, bằng cách tìm ra địa chỉ lãng phí, giải quyết tình huống cụ thể đó để quy định sửa luật bảo đảm khả thi, có hiệu quả”.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.