Chưa chọn được sân cho U.23 Việt Nam tại SEA Games 31

05/07/2019 08:42 GMT+7

Đã quá hạn trình Chính phủ đề án đăng cai SEA Games 31 nhưng ngành thể thao vẫn đang phải “dài cổ” đợi Hà Nội chốt địa điểm đăng cai môn bóng đá nam tại đại hội.

Cách đây 3 năm, cả Hà Nội và TP.HCM đều lao vào cuộc đua xin đăng cai SEA Games 31. Đến cuối tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng đưa ra quyết định cuối cùng về việc chọn thủ đô là nơi tổ chức SEA Games 31 trên tinh thần tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Thủ tướng đề nghị Hà Nội chủ động rà soát, hoàn thiện phương án chi tiết về cơ sở vật chất theo hướng tận dụng tối đa cơ sở vật chất sẵn có từ SEA Games 22 năm 2003, hạn chế xây dựng, mua sắm mới, tăng cường mạnh mẽ xã hội hóa nguồn lực. Theo kế hoạch, tháng 4.2019, Hà Nội phải trình tổng thể đề án lên Bộ VH-TT-DL xem xét để bộ này vào đầu tháng 6 báo cáo Chính phủ phê duyệt lần cuối.

tin liên quan

Xem SEA Games 31 Việt Nam ở những địa điểm thi đấu nào?
Bóng đá nam SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội), sân Thiên Trường (Nam Định) nhưng trận chung kết sẽ chuyển về sân Mỹ Đình; bóng đá nữ tại sân Lạch Tray (Hải Phòng); môn bóng chuyền tổ chức tại Quảng Ninh.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Hà Nội vẫn chưa thể hoàn tất dự thảo đề án do vướng mắc địa điểm tổ chức một bảng môn bóng đá nam của SEA Games 31. Hai tuần trước, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã đi khảo sát và đồng ý với phương án chọn Nam Định (sân Thiên Trường) là nơi đăng cai một bảng không có đội U.23 VN. Bảng còn lại có đội chủ nhà, vẫn chưa biết sẽ được diễn ra ở đâu. Chia sẻ với Thanh Niên ngày 4.7, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành khảo sát các sân vận động ở Hà Nội và đến 15.7 mới xong. Nhưng Hà Nội mong muốn chọn sân Mỹ Đình vì sân này mới đủ tiêu chuẩn”.
Một lãnh đạo ngành nghe thông tin này đã vội giãy nảy: “Sân Mỹ Đình sao tổ chức được bóng đá nam vòng bảng vì đã vướng tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và môn điền kinh. Không một sân nào đủ điều kiện như sân Mỹ Đình để có thể tổ chức điền kinh với hàng chục nội dung, trong đó có những nội dung phải sử dụng đường piste, mặt sân. Không thể chen bóng đá vào được. Tôi chưa biết U.23 VN sẽ rơi vào bảng 5 hay 6 đội vì chưa bốc thăm nhưng vòng bảng sẽ có từ 10 - 12 trận. Thời gian tổ chức điền kinh và môn bóng đá sẽ trùng nhau. Chỉ đến 2 trận bán kết và chung kết mới đưa được về sân Mỹ Đình”.
Ngày 3.7 vừa qua, Tổng cục TDTT cũng đã cử đoàn cán bộ đi khảo sát độc lập tình hình sân bãi ở Hà Nội. Sân Thanh Trì dù mặt cỏ khá đẹp nhưng chỉ có vỏn vẹn 4.000 chỗ ngồi và có đúng 1 khán đài. Sân Hà Đông, sân Đan Phượng cũng chỉ có 5.000 chỗ ngồi, thiếu các phòng chức năng. Sân Hàng Đẫy có quy mô 20.000 chỗ ngồi nhưng trên thực tế chỉ sử dụng được 17.000 - 18.000 chỗ ngồi vì một số khán đài bị xuống cấp. Trong các trận đấu trên sân nhà của CLB Hà Nội tại V-League, Ban tổ chức sân Hàng Đẫy phải “đắp chiếu” hai góc lớn khán đài D vì nếu bán vé ở khu vực này sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị sập, đe dọa tính mạng khán giả. Nếu chọn sân Hàng Đẫy, một quan chức Tổng cục TDTT cho biết, Hà Nội phải khẩn trương đầu tư nâng cấp.
U.23 Việt Nam thắng U.23 Myanmar nhờ công Việt Hưng, Tiến Linh
“Chúng tôi vẫn đang sốt ruột đợi Hà Nội chốt địa điểm. Từ nay đến hết tháng 7.2019, nếu không chọn được, Tổng cục TDTT sẽ tính đến phương án chọn một số địa phương lân cận”. Sau phát biểu này, đến lượt Hà Nội giãy nảy: “Bóng đá nam là một trong những nội dung hấp dẫn nhất của SEA Games 31. Nếu để địa phương khác đăng cai bảng có VN thì Hà Nội sẽ thất thu lớn vì rõ ràng bán vé những trận đấu có chủ nhà sẽ rất đắt khách. Môn bóng đá nữ đã chuyển về Hải Phòng, bóng đá trong nhà futsal chuyển về Hà Nam. Môn bóng đá nam vòng bảng không có VN thi đấu ở Nam Định. Hà Nội mà buông cả bảng có VN thì chán lắm. Chúng tôi sẽ sớm tính phương án và báo cáo ngành thể thao”, một thành viên ban tổ chức đại hội cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.