Chưa có chủ trương nhưng vẫn đưa đường sắt cao tốc vào luật

12/09/2016 17:50 GMT+7

Chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư gần 60 tỉ USD từng bị Quốc hội bác bỏ năm 2010 vẫn được Chính phủ đưa vào dự án luật Đường sắt (sửa đổi).

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật Đường sắt (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (12.9), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong số các nội dung mới của dự luật, có một chương về đường sắt tốc độ cao.
Theo Thứ trưởng Đông, lý do đề xuất nội dung này là do Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác với tốc độ 350 km/giờ.
Từ những yêu cầu trên, ông Đông cho biết dự luật đề xuất bổ sung mới một mục về đường sắt tốc độ cao (tốc độ thiết kế ≥ 200 km/giờ) với các điều chủ yếu quy định về: chính sách phát triển; các yêu cầu chung; đầu tư xây dựng; quản lý, bảo trì và kinh doanh; quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao.
Báo cáo thẩm tra dự luật này, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đề nghị cần làm rõ hơn về nguồn tài chính và lộ trình thực hiện; những biện pháp để bảo đảm tính khả thi về đường sắt tốc độ cao.
Góp ý dự luật, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhắc lại chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao năm 2010 từng được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội nhưng sau đó Quốc hội đã “bác”.
“Chủ trương làm nhưng chưa được làm, cũng chưa phải làm, vì đã bàn đâu. Chưa có chủ trương nhưng đã đưa vào luật thì có trái quy trình, trái chủ trương đường lối quy hoạch chung không?”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt câu hỏi.
Sẽ xây dựng tuyến thí điểm Sài Gòn - Long Thành sau 2020
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2010, sau khi bác chủ trương xây đường sắt cao tốc, Quốc hội đã có yêu cầu cập nhật làm rõ một số nội dung, đặc biệt là hiệu quả, lộ trình đầu tư, phương án huy động nguồn lực cho dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện nghiên cứu tiền khả thi. Mới đây Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo trình Chính phủ.
Theo đó, kiến nghị phấn đấu đến 2020, cụ thể là 2018, Bộ sẽ trình Chính phủ thẩm định, sau đó trình Quốc hội phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước 2020. Sau khi được thông qua sẽ xây dựng thí điểm một đoạn.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao, có nhiều nghiên cứu đang được tiến hành. Trong số này có Hàn Quốc đang hỗ trợ nghiên cứu đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Cần Thơ, liên doanh tư vấn Việt Nhật (từng lập dự án trình Quốc hội hồi 2010) sau khi Quốc hội không thông qua, phía Nhật tiếp tục nghiên cứu và đến 2013 đã báo cáo khả thi.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải khẳng định theo lộ trình dự kiến đến 2050 sẽ cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao này.
Ông Đông cho biết về lộ trình dự kiến, đến 2020 thông qua chủ trương, sau đó xây dựng tuyến thí điểm Sài Gòn - Long Thành để vận hành khai thác đào tạo chuyển giao công nghệ. Sau đó làm tiếp các đoạn ưu tiên như Hà Nội - Vinh. Sau 2030 sẽ nối dần các đoạn còn lại từ Hà Nội - Đà Nẵng và Sài Gòn - Đà Nẵng. “Không làm toàn tuyến Bắc - Nam ngay mà có lộ trình và cuối cùng sẽ nối toàn tuyến Bắc - Nam”, ông Đông cho biết.
Theo Thứ trưởng Đông, dự báo đến 2030, nếu các dự án khác được thực hiện đồng bộ như Cảng hàng không Long Thành, tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam (4-6 làn xe), cải tạo tuyến đường sắt cũ để nâng tốc độ lên 80 km/giờ thì vẫn phải làm thêm 1 tuyến đường sắt mới để đáp ứng yêu cầu đi lại của 50 - 70 triệu hành khách. “Do vậy phải làm tuyến đường sắt mới và làm thì hướng tới tốc độ cao để cạnh tranh”, ông Đông nói.
Đường sắt chỉ chiếm thị phần 0, 7% trong toàn ngành vận tải
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, thị phần vận tải đường sắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng vận tải toàn ngành trong thời gian qua, và có xu thế giảm dần từ 1,3% năm 2008 xuống còn 0,7% năm 2012. Từ giai đoạn 2014 - 2015 luôn luôn giảm.
Trong khi đó, chi phí cho việc bảo trì, duy tu đường sắt rất lớn. Năm 2016 ước tính con số này vào khoảng 2200 tỉ đồng. Mạng đường sắt hiện tại thậm chí còn giảm đi so với thời Pháp thuộc. Năm 1935 tổng số km đường sắt là trên 3.300 km nhưng hiện nay còn 3.141 km. Mô hình ngành đường sắt hiện nay không có cạnh tranh mà Tổng công ty đường sắt quản lý cả hạ tầng lẫn đơn vị vận tải.
Bên cạnh đó, việc kết nối giữa đường sắt với các phương thức khác hạn chế. Hiện nay chỉ có 3 cảng nối với đường sắt là Hải Phòng, Việt Trì và Ninh Bình.
Theo ông Đông, luật hướng tới việc tạo ra thị trường có cạnh tranh. Tiến tới cho thuê đường sắt để thu hút các thành phần tư nhân tham gia và chỉ duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước quản lý hạ tầng.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật Đường sắt (sửa đổi) bao gồm: 9 chương, 95 điều, trong đó giữ nguyên 4/114 điều; sửa đổi, bổ sung 65/114 điều; bãi bỏ 45/114 điều; sổ sung mới 26 điều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.