Không phủ nhận những nỗ lực phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước; quyết tâm ấy cũng được thể hiện bằng hệ thống các văn bản quy phạm về phòng, chống tham nhũng, ở việc nhà nước cũng không tiếc nguồn lực đầu tư, củng cố bộ máy phòng, chống tham nhũng từ T.Ư đến địa phương.
Nhưng cũng không thể né tránh thực tế rằng, tham nhũng càng chống càng nghiêm trọng, thể hiện ở số lượng, quy mô, mức độ tinh vi của các vụ việc tham nhũng. Ngay trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Chính phủ cũng thừa nhận: “Tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm”.
Muốn chống tham nhũng có hiệu quả cần làm rất nhiều việc, nhưng có 2 việc không thể không làm. Thứ nhất là xử lý nghiêm những vụ việc được phát hiện; chế tài phải đủ sức răn đe. Thứ hai là thể chế phải minh bạch. Thế nhưng, các báo cáo của Chính phủ tại nhiều kỳ QH đều chỉ ra rằng, chẳng hạn, thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính. Số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít.
Báo cáo Ủy ban Tư pháp của QH hồi tháng 7.2013 cũng chỉ ra rằng, trong nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về hành vi tham nhũng nhưng đã được thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn (tội cố ý làm trái hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chẳng hạn). 8 tháng đầu năm nay, có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tham nhũng, cũng chỉ có 4 người bị xử lý hình sự.
Tham nhũng là việc sử dụng quyền năng do chức vụ mang lại để trục lợi. Không có quyền năng thì không thể tham nhũng. Do vậy, cái gốc của chống tham nhũng vẫn là chế ước các quyền năng. Tuy nhiên, việc minh bạch về thể chế, không để tình trạng “ông” nào quản lý cái gì là “xơi” cái đấy ở ta còn yếu. Quản đất đai thì tham nhũng đất, quản môi trường thì tham nhũng nước thải, thậm chí có cả tham nhũng (xây nhà) vệ sinh, thì tiền nào của dân chịu nổi.
Cần phải thiết lập một hệ thống quyền năng đi đôi với trách nhiệm, trách nhiệm giải trình minh bạch mọi quyết định và cả chế độ chịu trách nhiệm trước cử tri. Về nguyên tắc, các quyền năng càng tập trung thì càng có nhiều người phải xin xỏ mà càng nhiều người xin xỏ thì tham nhũng càng dễ xảy ra, do vậy việc phân cấp, phân quyền càng nhiều thì càng giảm đi tham nhũng.
Khi các công cụ chống tham nhũng tỏ ra kém hiệu quả thì việc thực thi những biện pháp mang tính chất phòng ngừa như thế này có vẻ sẽ hiệu quả hơn, chí ít là nó giúp “tránh đụng chạm” một cách trực tiếp, dẫn đến khả năng bị vô hiệu hóa từ trứng nước.
An Nguyên
Bình luận (0)