Chưa có thêm phương án rút BHXH 1 lần

Thu Hằng
Thu Hằng
19/03/2024 15:49 GMT+7

Hai phương án liên quan đến quy định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần được Chính phủ trình Quốc hội đều hướng tới mục tiêu là hạn chế số người hưởng BHXH 1 lần, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Bộ LĐ-TB-XH vừa có văn bản gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật BHXH (sửa đổi), trong đó có đề cập đến sửa đổi quy định rút BHXH 1 lần.

Chưa có thêm phương án rút BHXH 1 lần- Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

THU HẰNG

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tại tờ trình số 527/TTr-CP ngày 10.10.2023, Chính phủ trình 2 phương án liên quan đến rút BHXH 1 lần. Cả 2 phương án đều hướng tới mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết 28-NQ/TW là hạn chế số người hưởng BHXH 1 lần, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định.

Cụ thể, phương án 1 đề xuất quy định hưởng BHXH 1 lần với 2 nhóm người lao động khác nhau. 

Nhóm 1, gồm những người đã tham gia BHXH trước khi luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng có nhu cầu thì được nhận BHXH 1 lần. Với quy định này, hơn 17 triệu người đang tham gia BHXH sau năm 2025 khi luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực vẫn được rút BHXH 1 lần.

Nhóm 2, gồm những người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025) thì không được rút BHXH 1 lần, trừ một số trường hợp đặc thù.

Phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có nhu cầu thì được giải quyết một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Cho rằng về mặt xã hội cần phải ưu tiên phương án giảm thiểu sự phản ứng của người lao động, Bộ LĐ-TB-XH nhận định phương án 1 tối ưu hơn.

Thủ tục hưởng BHXH 1 lần năm 2024 thế nào

Thời gian qua, nội dung này đã được Ủy ban Xã hội cùng các bộ ngành, cơ quan liên quan nhiều lần trao đổi, thảo luận. Quá trình thảo luận, đa số ý kiến tập trung vào 2 phương án Chính phủ trình, chưa có thêm phương án nào được đề xuất.

Dự án luật BHXH sửa đổi được Quốc hội dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới và có hiệu lực từ 1.7.2025.

Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2022, gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh, tốc độ tăng trung bình khoảng 12,3%/năm, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia chỉ 5 - 6%. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút 2 lượt; hơn 61.000 người rút 3 lượt. Khoảng 99% lao động rút BHXH 1 lần sau một năm nghỉ việc và phần lớn là những người làm việc trong doanh nghiệp.

Theo BHXH Việt Nam, 2 tháng cuối năm 2023 bình quân có trên 77.000 người rút BHXH 1 lần, đến tháng 2.2024 giảm còn 70.000 người. Đáng chú ý, có 80% lao động rời hệ thống ở độ tuổi 20 - 40, song nhiều người trong số này đã quay lại lưới an sinh khi tìm được việc làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.