(TNO) Chị Nguyễn Thị Mai (thôn 10, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) ngã quỵ khi nhận hung tin đứa con trai 4 tuổi bị đuối nước dưới sông Mã. Người mẹ năm nay 37 tuổi này, sau đó vật vã, chết điếng trước tai họa ập xuống gia đình đang yên ấm của mình.
Hai cháu nhỏ tại Thanh Hóa bị chết đuối dưới hố nước trong vườn mía - Ảnh: Ngọc Minh
|
Trưa 25.5, dưới cái nắng như thiêu như đốt, hàng trăm người dân xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa xót xa theo dõi những ngư dân tìm vớt thi thể cháu Phạm Hoàng Anh (4 tuổi, ngụ thôn 10, xã Hoằng Quang) bị chết đuối vào sáng cùng ngày.
Chốc chốc, tiếng gào thét gọi tên con như đứt hơi của anh Phạm Văn Thức (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Mai (37 tuổi) khiến những người xung quanh không khỏi trào nước mắt. “Trời ơi là trời. Sao con tôi chết oan chết uổng thế này hả trời. Sao ông không cho tôi chết thay con tôi hả trời…”, chị Mai thều thào trong vô vọng.
Hiện trường vụ đuối nước làm cháu Phạm Hoàng Anh tử vong - Ảnh: Ngọc Minh
|
|
Một người thân của chị Mai cho biết, vợ chồng anh Thức, chị Mai ngụ tại thôn 10, xã Hoằng Quang. Hai vợ chồng anh có 3 đứa con, cháu Anh là con trai út. Sáng 25.5, chị Mai đưa cháu Anh tới gửi ông ngoại ở thôn 7 (xã Hoằng Quang) trông giúp để ra đồng thu hoạch lúa. Sau khi được con gái nhờ trông cháu, ông Bính bảo cháu nội của mình là cháu Trang (12 tuổi, con anh trai của chị Mai) ở nhà trông cháu Anh để đi xử lý công việc.
Trông em được một lúc, có bạn sang nhà rủ đi tắm sông, nên Trang đã dẫn cháu Anh ra bờ sông Mã. Để em một mình chơi trên bờ sông, Trang cùng bạn nhảy xuống sông ngụp lặn. Một lúc sau quay nhìn lên bờ không thấy em đâu, Trang và bạn vội bơi vào bờ, chạy sát mép nước tìm em nhưng không thấy. Hoảng loạn, Trang chạy về làng kêu cứu.
Ngóng chờ tin tìm kiếm 3 học sinh bị nước biển cuốn tại bãi biển H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) chiều ngày 16.5 - Ảnh: Hùng Việt
|
Ngay lập tức, nhiều người dân trong thôn 7 đã đổ ra bờ sông Mã tìm cứu cháu Anh. Đến gần 12 giờ trưa cùng ngày, người thân và những ngư dân được gia đình thuê mướn mới tìm được xác cháu Anh bị chìm cách bờ gần 10 m.
Ông Lê Văn Hùng, ngụ tại xã Hoằng Quang cho biết, tại vị trí cháu Anh bị đuối nước trước đây đã xảy ra một vài vụ đuối nước. Vì vậy, người dân trong thôn 7 thường ngăn cấm, không cho con trẻ ra tắm ở khu vực này. 2 năm nay, ở khu vực này không xảy ra vụ đuối nước nào, ai ngờ hôm nay, do bất cẩn người lớn đã để các cháu ra tắm ở khu vực này, gây ra hậu quả đáng tiếc.
Anh Dương Hoàng Vũ, Phó bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, cho biết, các em nhỏ chưa ý thức được sự nguy hiểm khi tắm ở sông, suối, ao hồ khi không có sự giám sát của người lớn, là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ đuối nước thương tâm.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa), cho biết nguyên nhân xảy ra các vụ đuối nước khiến các cháu nhỏ tử vong chủ yếu là do các bậc phụ huynh lơ là, chủ quan trong việc chăm sóc trẻ. Ở nhiều địa phương, người dân để con trẻ tự do ra ao, hồ, sông, suối tắm, trong khi đó các cháu thiếu kỹ năng tự nhận biết nguy cơ cơ bị đuối nước để tự phòng tránh.
Theo anh Vũ, những năm qua, Tỉnh đoàn Nghệ An thường xuyên phối hợp với các đơn vị bộ đội, cựu chiến binh và phòng văn hóa-thể thao các huyện mở các lớp dạy bơi cho thanh, thiếu nhi và kỹ năng sơ cứu người bị đuối nước; đồng thời cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao, hồ, sông, suối.
“Hè này, ngoài việc mở lớp dạy bơi, tổ chức tuyên truyền để tránh đuối nước, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ sở đoàn thành lập các đội thanh niên xung kích, tình nguyện thường xuyên canh trực, nhắc nhở thanh thiếu nhi không vui chơi tại những nơi nguy hiểm, không tự ý tắm ở ao, hồ, sông, suối và sẵn sàng cứu nạn khi có tình huống tai nạn xảy ra”, anh Vũ nói. N.Minh-K.Hoan
|
Bình luận (0)