Bỏ đánh giá thường xuyên bằng điểm số ở bậc tiểu học sẽ không đạt hiệu quả và khiến học sinh, phụ huynh không yên lòng nếu vẫn giữ cách đánh giá như hiện nay khi học sinh bước vào THCS.
Không đánh giá học sinh bậc tiểu học bằng điểm số nhưng quy định này vẫn giữ nguyên ở bậc THCS khiến nhiều người lo ngại sự đổi mới sẽ không hiệu quả - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Học sinh chuyển cấp bị sốc
Năm 2014, một trong những dấu ấn của ngành GD-ĐT chính là thay đổi lớn trong đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Thông tư 30 ra đời đã đặt dấu chấm hết cho việc đánh giá bằng điểm số hằng ngày, hằng tuần với HS tiểu học như trước kia. Thay vào đó, trong suốt cả năm học, chỉ đánh giá HS bằng điểm số ở 2 bài kiểm tra học kỳ.
Thời gian đầu có những ý kiến băn khoăn nhưng sau đó đa số dư luận đồng tình với sự thay đổi này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quãng đời đi học của HS không chỉ ở 5 năm tiểu học mà còn tới 7 năm tiếp sau ở bậc phổ thông. Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy, phụ huynh đón nhận cách đánh giá mới với không ít lo ngại. Họ lo sự thay đổi này nếu chỉ dừng ở đây sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Kết thúc bậc tiểu học, HS phải đối mặt với các kỳ thi quan trọng khi vào cấp THCS và cách đánh giá với HS ở bậc học này chưa có gì thay đổi.
Chị Minh Hải có con học lớp 4 ở Hà Nội chia sẻ: “Thực ra, tôi đón nhận quyết định này của Bộ GD-ĐT với tâm trạng lo nhiều hơn vui. Không cho điểm khiến chúng rất vui và chẳng thấy có vấn đề gì phải lo lắng. Thế nhưng qua theo dõi cách đánh giá của anh cháu (hiện đang học lớp 7), tôi thấy nếu thay đổi chỉ dừng ở bậc tiểu học thì chẳng có ích gì, thậm chí có hại cho HS. Đó là chưa kể kết thúc lớp 5, không ít trường vẫn thi tuyển để vào lớp chuyên, lớp chọn của lớp 6”.
Chị Hải phân tích: con lớn của chị hiện đang học lớp 7, ngày nào đi học cũng phải đối mặt với một bài kiểm tra nào đó, không kiểm tra miệng thì kiểm tra 15, 45 hoặc 90 phút. Áp lực đánh giá bằng điểm số với HS cấp trung học rất lớn. “Lứa HS tốt nghiệp tiểu học theo cách đánh giá mới khi lên cấp THCS sẽ rất sốc, nếu bậc học này vẫn theo cách đánh giá như hiện nay”, chị Hải lo lắng.
|
Quá nhiều điểm số ở bậc THCS
Theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT về kiểm tra, đánh giá đối với HS THCS và THPT, các loại kiểm tra sẽ có: kiểm tra thường xuyên gồm kiểm tra miệng, viết dưới 1 tiết, thực hành dưới 1 tiết; kiểm tra định kỳ (gồm kiểm tra viết, kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ). Điểm kiểm tra thường xuyên tính hệ số 1, điểm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên tính hệ số 2, điểm kiểm tra học kỳ tính hệ số 3.
Bộ GD-ĐT cũng quy định số lần kiểm tra ít nhất của mỗi môn học. Cụ thể, môn học có 1 tiết/tuần trở xuống kiểm tra ít nhất 2 lần; từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần kiểm tra ít nhất 2 lần; môn học có từ 3 tiết/tuần trở lên phải kiểm tra ít nhất 4 lần.
Điều đáng nói là do Bộ GD-ĐT chỉ quy định ở mức tối thiểu chứ không khống chế mức tối đa nên số lượng bài kiểm tra nhiều khi tùy thuộc vào từng trường, thậm chí từng giáo viên. Nhiều khi giáo viên có việc bận không lên lớp dạy được cũng bắt HS… làm bài kiểm tra 1 tiết để nhờ giáo viên môn khác coi hộ. HS cứ “bò ra” làm bài rồi nhận kết quả bằng điểm số.
Bản thân lãnh đạo các trường THCS cũng bày tỏ mong muốn việc đánh giá cần đồng bộ từ tiểu học lên THCS để tránh HS bị căng thẳng vì thay đổi đột ngột quá.
Bà Đinh Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Neo, H.Yên Dũng, Bắc Giang, cho rằng nếu thay đổi cách đánh giá thì HS và giáo viên cũng đỡ bị áp lực hơn. Giáo viên thay vì dành quá nhiều thời gian chấm bài sẽ đầu tư vào chất lượng bài giảng tốt hơn. Từ đó mới có thể đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu mới.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ (Hà Nội), cũng bày tỏ lo ngại về việc nhận xét ở bậc tiểu học trong khi bậc học sau đó vẫn yêu cầu cao bằng hình thức chấm điểm ở các kỳ kiểm tra thường xuyên và định kỳ.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng sẽ tốt hơn nếu việc đánh giá đồng bộ và không thay đổi đột ngột từ cấp học dưới lên cấp học trên. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này và có tham mưu cụ thể cho lãnh đạo Bộ”, ông Thành nói.
Bình luận (0)