Với tỷ lệ 445/451 đại biểu có mặt (chiếm 92,13%) tán thành, chiều nay, 19.6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.
Thí điểm mô hình chính quyền địa phương
Theo đó, TP.Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND thành phố; còn cấp quận và phường chỉ có UBND.
Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1.7.2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị cần đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; làm rõ cơ chế giám sát đối với chính quyền địa phương ở quận, phường và các cơ quan tư pháp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến này để thể hiện trong dự thảo nghị quyết. Theo đó, mỗi ban của HĐND thành phố có không quá 2 phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Theo ông Tùng, quy định như vậy nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi ban.
Nghị quyết còn quy định HĐND thành phố có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận và hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.
Về UBND quận, UBND phường khi không tổ chức HĐND, ông Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị đổi tên thành Ủy ban hành chính.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy UBND quận, UBND phường nơi thực hiện thí điểm có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức và chế độ làm việc nhưng việc đổi tên thành Ủy ban hành chính ngay trong giai đoạn này sẽ dẫn đến những thay đổi chưa thực sự cần thiết trong việc cấp, đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức ở địa phương.
Việc này cũng đòi hỏi phải sửa đổi, điều chỉnh các thông tin có liên quan trong hệ thống dữ liệu chung của quốc gia, gây tốn kém, khó khăn cho người dân và công tác quản lý nhà nước.
Hơn nữa, tại kỳ họp thứ 8, khi thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội, Quốc hội cũng đã nhất trí giữ tên gọi là UBND phường tại nơi thực hiện thí điểm.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép giữ tên gọi là UBND như dự thảo nghị quyết.
Chưa bầu trực tiếp UBND
Cũng theo ông Tùng, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với chủ tịch UBND.
Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương.
Để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép chưa quy định nội dung này trong dự thảo nghị quyết.
Để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với chủ tịch UBND quận.
Đồng thời, tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.
Đồng ý nhiều cơ chế chính sách tài chính đặc thù cho TP.Đà Nẵng
Nghị quyết của Quốc hội cũng đồng ý nhiều cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.
Theo đó, TP.Đà Nẵng thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND TP.Đà Nẵng được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
HĐND TP.Đà Nẵng quyết định phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí tòa án.
Ngân sách TP.Đà Nẵng được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách TP.Đà Nẵng.
|
Bình luận (0)