Ông Lê Xuân Vết, lão nông có sở thích nuôi gà Đông Tảo ở Khoái Châu, Hưng Yên từng được Thanh Niên giới thiệu trong loạt bài “Thần gà Đông tảo”. Mới đây, ông Vết đã quyết định ngâm rượu một trong hai con gà Đông Tảo quý từng có người trả giá đến 65 triệu đồng/con nhưng ông không bán.
tin liên quan
'Thần gà' làng Đông Tảo: Cặp gà giá 120 triệu vẫn không bán“Việc ngâm rượu gà không phải nhằm mục đích uống rượu. Cũng không có nhiều người ngâm rượu gà”, anh Lê Quang Trung, con trai ông Vết nói.
Ông Lê Xuân Vết, chủ nhân của cặp gà bạc triệu tâm sự: “Con gà này gắn bó với tôi hơn 5 năm trời, tôi yêu thương, gần gũi nó như một người bạn. Nó ốm thì tôi xót, nó bệnh thì tôi thương. Ngày nào cũng tắm rửa, vuốt ve nó, sao mà không sinh tình cảm. Mục đích tôi ngâm rượu là để được ngắm nhìn nó mỗi ngày, không có cảm giác nó đã mất. Nếu ngắm bình rượu mà có ai hỏi thì tôi sẽ kể cho họ nghe những câu chuyện về con gà quý báu này”.
|
Ông cụ ngoài 80 tuổi, chân tay gân guốc, phải mất đến 2 tiếng đồng hồ để hoàn tất các công đoạn hóa kiếp con gà già. Vợ con hỗ trợ nhiệt tình mới xong.
Đầu tiên, con gà trước khi hóa kiếp được ông Vết tắm một lần để rửa sạch mùi hôi, đất cát. Sau đó, ông Vết nhúng gà bằng nước nóng để làm lông, rồi thui gà qua rơm rạ. Khi thân gà cơ bản sạch sẽ, ông pha rượu, nước chanh và dấm rửa sạch lại một lần nữa. Khi toàn bộ con gà đều ráo nước, ông mới cho vào bình thủy tinh rồi đổ rượu vào.
Phía dưới bình, ông Vết đặt dăm chục quả trứng gà đông tảo. Sau khoảng 6 tháng, trứng gà sẽ đổi sang màu xanh ngọc hoặc xanh rêu như những viên đá đẹp mắt. Dáng gà bệ vệ đứng trên những hòn đá sẽ tạo được vẻ đẹp riêng, đầy ấn tượng cho bình rượu ngâm.
Anh Trung cũng kể thêm, việc kiếm được chiếc bình lớn, chứa đủ thân gà cũng không hề đơn giản. Anh phải đi nhiều chợ xung quanh vùng, dò hỏi nhiều cửa hàng mới tìm được chiếc bình 15 lít… tương đối vừa vặn.
|
"Không ai đi bán bạn của mình cả”
Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, khi chúng tôi về thăm nhà ông Vết lần đầu tiên, ông còn tự hào khoe cặp gà quý có dáng hình bề thế, ông coi như báu vật của khu vườn. Ôm con gà bằng cả hai tay, ông cưng nựng vỗ về như một đứa trẻ. Phóng sự ngày ấy được phát lên, ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp đồ sộ của cặp gà trị giá hơn trăm triệu.
Rồi đợt Tết Nguyên đán năm ấy, thương lái Trung Quốc ồ ạt đến vùng Khoái Châu, Hưng Yên, lùng sục các gia đình tìm mua bằng sạch trại gà. Nhất là nhà ai có gà quý, gà đẹp, thương lái càng hăng mua. “Hồi đó có anh người nước ngoài đến nhà tôi, họ nói muốn mua cặp gà này với một đàn hai chục con gà mái chân to, giá nào cũng trả. Tôi chỉ cười rồi từ chối. Bán rồi lấy gì bầu bạn”, ông Vết kể.
Cặp gà sống với ông hơn 5 năm, như “chúa gà” trong vườn, không đếm được đã sản sinh, nhân giống bao lứa gà Đông Tảo cho gia đình ông Vết. Khách thập phương nườm nượp vừa đến xem vừa đến mua giống khiến ông vui không kể hết.
Ông Vết chỉ, vóc dáng bệ vệ của dòng gà này bây giờ rất khó kiếm. “Thế đánh của giống gà này đúng là không giống ai. Gà chọi, gà ta thường nhảy lên để tấn công đối phương nhưng với cặp gà này, nó dùng sức mạnh của đôi chân đạp ngang, đạp dọc, cặp cánh xòe rộng như dáng đứng của khủng long”.
|
Nếu nói về tình cảm thì không ai thương gà như ông Vết. Một lần, có con gà mái rỉa chân con gà trống quý của ông đến chảy máu, ông vội vàng chạy đến ôm gà lau vết thương, mắt ngấn lệ.
Trời mưa gió rét, ông cẩn thận lót vải dưới nền chuồng cho gà nằm. Mùa hè, thỉnh thoảng ông lấy khăn dấp nước muối loãng để lau mặt, rửa chân giữ gìn thân thể cho con gà được được sạch sẽ.
Một trong hai con gà đầu đàn đã mất. Nói về con gà còn lại, con trai ông Vết chia sẻ: “Con còn lại già hơn con đã ngâm rượu một chút, nuôi được 5,5 năm rồi, chân nó to như cái bắp tay người. Nó đi lại hơi khó khăn nhưng vẫn ăn uống được nên ông vẫn nuôi".
Anh Trung ví von: “Có mấy ai nuôi con gà đến 6 năm tuổi đâu. Bình thường người ta nuôi vài tháng thịt ngoéo rồi”.
Thấy con trai nói thế, ông Vết cười vui vẻ gật đầu: “Đúng vậy! Tôi sẽ nuôi đến khi nào nó không đi được nữa, hoặc lúc nào nó gục ngã mới thôi. Không ai đi bán bạn của mình cả”.
|
Bình luận (0)