Theo ghi nhận của PV, từ đêm 12.3, nhiều đoàn khách đã đến trước khu vực chùa Hương để sắp lễ, viết sớ, chờ chùa mở cửa. Trời càng sáng, người dân đổ về càng đông. Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, trong ngày đầu tiên mở cửa đón khách, toàn khu danh thắng chùa Hương đã đón hơn 20.000 lượt khách, chủ yếu là người ở Hà Nội.
Cam kết một đằng...
Trước đó, chiều 8.3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, lãnh đạo UBND H.Mỹ Đức có đề nghị UBND TP cho mở cửa lại chùa Hương từ 13.3 và cam kết đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch khi đưa di tích vào hoạt động với phương án như sau: Tại các cổng bán và soát vé, lực lượng chức năng yêu cầu du khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế bằng mã QR code. Đối với trường hợp đi theo đoàn, trưởng đoàn phải cung cấp thông tin, số điện thoại để phục vụ việc truy vết khi cần. Đồng thời, thiết lập 2 điểm cách ly y tế dự phòng làm nơi khai báo y tế chi tiết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và có yếu tố dịch tễ.
|
Các phương tiện hoạt động trong khu vực di tích phải vệ sinh khử khuẩn, bố trí nước rửa tay, sắp xếp hành khách đảm bảo giãn cách, thuyền nhỏ chở tối đa 6 người, thuyền to tối đa 12 người, người điều khiển phải nhắc du khách đeo khẩu trang. Các cơ sở lưu trú phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với khách; các cơ sở ăn uống phải ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và phải có vách ngăn bằng kính, mica, nhựa giữa bàn, đảm bảo chiều cao an toàn. Đặc biệt, tại các nơi thờ tự phải có lực lượng hướng dẫn du khách thực hiện về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và kẻ vạch, bố trí người dân theo một chiều đảm bảo khoảng cách an toàn.
Ông Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND H.Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương, cho biết ban tổ chức huy động 650 cán bộ thuộc nhiều lực lượng tham gia công tác kiểm soát an ninh, an toàn phòng chống dịch và thường xuyên tuần tra trên suối Yến để nhắc nhở chủ đò chở đúng số khách theo quy định. Nếu khách không đeo khẩu trang, không cho xuống đò; đò chở quá số người quy định cũng sẽ bị xử phạt. Đặc biệt, thuyền máy không được phép hoạt động, trừ những thuyền của lực lượng làm nhiệm vụ được ban tổ chức cấp giấy phép.
… Thực tế một nẻo!
Tuy nhiên, thực tế trong ngày đầu mở cửa đón khách, các phương án đề ra đều chưa được thực hiện nghiêm túc. Theo ghi nhận của PV, nhiều thuyền máy vẫn hoạt động chở khách; có thuyền chở tới hơn 30 người; nhiều người không đeo khẩu trang nhưng vẫn được xuống thuyền; đa số thuyền không có nước rửa tay, áo phao như quy định. Đặc biệt, nhiều lái đò làm ngơ cho du khách mở “sới bạc”, chơi bài lá ăn tiền ngay trên thuyền. Các hàng quán chưa gắn kính chắn vẫn đón khách. Nhiều điểm thờ tự không thực hiện giãn cách theo kế hoạch đề ra, khiến người dân chen nhau đông nghịt.
Đại diện Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh chùa Hương cho biết đã nắm được phản ánh của báo chí và sẽ bố trí lực lượng nhắc nhở người dân không chơi bài. Ngoài ra, ban tổ chức vẫn nhắc nhở người dân chấp hành đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách khi lên chùa. Đối với các thuyền đò, vị đại diện cho rằng chỉ ước lượng vậy nhưng không quy định với thuyền chèo tay, còn để đảm bảo khoảng cách an toàn thì phải có mấy loại thuyền, ban tổ chức chỉ tuyên truyền để làm sao đảm bảo về việc phòng chống dịch, còn áp dụng giãn cách trên thuyền thì do đặc thù nên rất khó thực hiện.
Còn việc kẻ vạch, giãn cách, đại diện ban quản lý di tích cho biết, quá trình thực hiện nhận thấy rất khó để triển khai nên nội dung này có thể nói là không thể thực hiện được, chỉ có một vài người giúp việc ở nơi thờ tự nhắc nhở du khách.
“Chúng tôi không quản được đò”“Ngày mai (14.3 - PV), chúng tôi sẽ bố trí người nhắc nhở khách ra vào khu vực đền Trình. Thực ra, chúng tôi không thể quản được đò vì đò này của người dân. Chúng tôi đang nghiên cứu để cải tổ, thay đổi cơ chế đó”, vị đại diện Ban Quản lý di tích thắng cảnh chùa Hương nói.
|
Bình luận (0)